Hết thời hạn của hợp đồng thử việc mà vẫn tiếp tục đi làm, có được coi là giao kết hợp đồng lao động?

Trong nhiều trường hợp, sau khi hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động. Vậy quan hệ lao động có được xác lập hay không? Pháp luật quy định thế nào về vấn đề này? Bài viết sẽ phân tích các quy định hiện hành và thực tiễn áp dụng để làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong tình huống này.

Theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. Như vậy, việc thử việc theo Bộ luật lao động hiện hành có thể được thực hiện thông qua hai hình thức: giao kết thỏa thuận trực tiếp trong hợp đồng lao động hoặc có thể giao kết thành một hợp đồng thử việc riêng tùy thuộc vào ý chí thỏa thuận giữa các bên.

Việc thử việc luôn phải kèm theo thời hạn nhất định (thời gian thử việc), thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Bộ luật. Điều cần lưu ý là tại khoản 1 Điều 27, Bộ luật đã quy định rõ, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Kết quả thử việc chính là việc người lao động thử việc đã đạt yêu cầu hay chưa. Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

Như vậy thông báo kết quả thử việc là một nghĩa vụ của người sử dụng lao động, nếu vi phạm, người lao động có thể bị phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng do không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định, theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/01/2022.

Trường hợp đặt ra là nếu khi hết thời gian thử việc, người lao động không được thông báo từ phía người sử dụng lao động hoặc nhận được thông báo về việc kết quả thử việc không đạt yêu cầu mà người lao động vẫn tiếp tục đi làm và vẫn được người sử dụng lao động giao việc và thực hiện công việc thì có làm phát sinh mối quan hệ lao động chính thức giữa các bên hay không?

Đối với trường hợp không nhận được thông báo kết quả mà vẫn tiếp tục đi làm, nếu hai bên chỉ thỏa thuận điều khoản thử việc trong một hợp đồng lao động, có thể coi là hợp đồng lao động đã có hiệu lực, được thực hiện từ khi thời hạn thử việc kết thúc, do hợp đồng lao động đã có những điều khoản rõ ràng, các bên có thể được coi là đã thực hiện hợp đồng đó trên thực tế. Nếu hai bên ký kết một hợp đồng thử việc riêng, thì khá khó để xác định đây có phải trường hợp giao kết hợp đồng lao động bằng hành vi hay không. Theo Bộ luật Lao động 2019 thì không có hình thức hợp đồng lao động giao kết bằng hành vi, tuy nhiên thực trạng này vẫn diễn ra, và có quan điểm cho rằng tình huống này có thể áp dụng tương tự như khoản 2 Điều 20 của Bộ luật, tức là công nhận đã có hợp đồng lao động được giao kết. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là luật không quy định cụ thể về thời hạn thông báo kết quả thử việc, tức là việc này có thể trì hoãn, người sử dụng lao động có thể bất ngờ thông báo thử việc không đạt yêu cầu và dựa vào đó để chối bỏ việc thực hiện các nghĩa vụ của mình tương ứng với phần công việc người lao động đã thực hiện sau khi họ thử việc xong.

Đối với trường hợp đã thông báo kết quả thử việc là không đạt yêu cầu, nhưng người lao động vẫn tiếp tục đi làm mà không gặp phải bất kỳ sự từ chối, cản trở nào có thể chứng minh từ phía người sử dụng lao động, thì theo người viết, sẽ cần coi như đã xác lập quan hệ hợp đồng bằng hành vi.

Bài viết hi vọng đã giúp các doanh nghiệp hiểu rõ quy định về thử việc, đặc biệt là nghĩa vụ thông báo kết quả và rủi ro pháp lý nếu không thực hiện đúng. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh quy trình tuyển dụng hợp lý, tránh các tranh chấp lao động và quản lý nhân sự hiệu quả hơn. Việc tuân thủ đúng quy định cũng giúp doanh nghiệp tạo môi trường làm việc minh bạch, chuyên nghiệp và ổn định hơn.

———————-

Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, 
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; 
email: tmle@tlalaw.vn

Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464

TTT

Bài liên quan