Bình luận bản án hình sự về tội trốn thuế số 09/2025/HS-ST ngày 17/01/2025.

  1. Tóm tắt nội dung bản án:

Khoảng tháng 01/2021, Hoàng Thị Hoài V có nhu cầu mở Công ty để hoạt động kinh doanh nên đã liên hệ Hoàng Thị V1 nhờ thành lập Công ty. Sau khi thành lập, V1 giới thiệu Nông Thị T1 làm kế toán cho công ty của V. T1 chịu trách nhiệm theo dõi, thanh toán tiền hàng của khách và thực hiện các chức năng của một kế toán Công ty tư nhân. Quá trình kinh doanh, V là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Công ty L8.

Năm 2022 đến năm 2023, Công ty L8 nhập nông sản từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó bán lại cho các cá nhân, hộ kinh doanh trong nước, thuộc đối tượng chịu thuế GTGT là 5%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, thấy số tiền thuế phải nộp lớn, V liên hệ với V1 nhờ tư vấn để giảm số thuế phải nộp. V1 hướng dẫn V điều chỉnh và thay thế hóa đơn GTGT từ người mua hàng là cá nhân, hộ kinh doanh (đổi tượng chịu thuế 5%) thành người mua hàng là doanh nghiệp (đối tượng không phải chịu thuế GTGT) để trốn thuế. Đầu năm 2023, V1 hướng dẫn T1 xuất 4.278 tờ hóa đơn GTGT điều chỉnh, thay thế hóa đơn GTGT năm 2022, từ người mua hàng là cá nhân, hộ kinh doanh thành người mua hàng là doanh nghiệp.

Qua điều tra, các Công ty mà Công ty L8 điều chỉnh, thay thế hóa đơn trên địa bàn cả nước đều không phát sinh hoạt động kinh doanh hay giao dịch gì với Công ty L8. Do đó toàn bộ hóa đơn GTGT điều chỉnh thay thế năm 2023 là hóa đơn bất hợp pháp.

Tòa án nhận định, lợi dụng chính sách thuế của Nhà nước quy định về việc doanh nghiệp nhập khẩu hàng nông sản xuất bán cho các doanh nghiệp ở khâu thương mại thì mức thuế GTGT là 0% (không phải chịu thuế GTGT). Bị cáo Hoàng Thị Hoài V là người trực tiếp điều hành hoạt động của Công ty L8, theo tư vấn, hướng dẫn của bị cáo V1, bị cáo V có hành vi chỉ đạo kế toán công ty – bị cáo T1 khai thuế GTGT không chính xác, trung thực, không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch để xác định sai số tiền thuế phải nộp, mục đích để Công ty L8 trốn thuế với tổng số tiền là 19.046.285.646 đồng.

Hành vi phạm tội của các bị cáo mang tính đồng phạm nhưng chỉ là giản đơn, trong đó bị cáo Hoàng Thị Hoài V có vai trò cao nhất do là người chỉ đạo cho bị cáo Nông Thị T1 thực hiện các hành vi trốn thuế để hưởng lợi cho bản thân; bị cáo Hoàng Thị V1 có vai trò giúp sức tích cực đưa ra cách thức trốn thuế cho bị cáo Hoàng Thị Hoài V, sau đó trực tiếp hướng dẫn Nông Thị T1 điều chỉnh, thay thế hóa đơn để xuất hóa đơn không hợp pháp. Bị cáo Nông Thị T1 có vai trò giúp sức thấp hơn do là kế toán Công ty L8, thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Hoàng Thị Hoài V, là người trực tiếp đăng nhập phần mềm, thao tác điều chinh, xuất hóa đơn không hợp pháp.

Từ phân tích trên, nhận thấy, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và số tiền trốn thuế đã được khắc phục toàn bộ, hơn nữa, các bị cáo đều có khả năng thi hành hình phạt tiền, vì vậy, Tòa án quyết định:

Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Hoàng Thị Hoài V, Hoàng Thị V1, Nông Thị T1 phạm tội Trốn thuế (đều căn cứ khoản 3 Điều 200).

Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Hoàng Thị Hoài V 2.000.000.000 đồng, xử phạt bị cáo Hoàng Thị V1 1.800.000.000 đồng, xử phạt bị cáo Nông Thị T1 1.500.000.000 đồng sung ngân sách Nhà nước.

2. Bình luận bản án

Vụ án cho thấy sự phức tạp trong hoạt động trốn thuế. Các doanh nghiệp không chỉ gian lận thông qua việc lập hóa đơn khống, lập các công ty “ma” để hợp thức chứng từ, mà còn lợi dụng các quy định pháp luật về thuế để điều chỉnh hình thức kê khai nhằm giảm số thuế phải nộp. Hành vi trốn thuế được thực hiện qua việc điều chỉnh hóa đơn GTGT nhằm thay đổi chủ thể mua hàng từ cá nhân, hộ kinh doanh (chịu thuế 5%) sang doanh nghiệp (không chịu thuế GTGT). Đây là phương thức gian lận phổ biến, lợi dụng sự khác biệt trong chính sách thuế.

Tuy nhiên, một vấn đề cần đặt ra là mức độ răn đe của bản án. Tổng số tiền trốn thuế lên đến hơn 19 tỷ đồng, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ án và tác động tiêu cực đối với nguồn thu ngân sách nhà nước. 

Việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền có thể giúp Nhà nước thu hồi được phần lớn số tiền thất thoát, nhưng có đảm bảo tính phòng ngừa và ngăn chặn tái phạm hay không? Nếu hình thức xử phạt chưa đủ sức nặng, có thể dẫn đến tâm lý chấp nhận rủi ro trong các doanh nghiệp, vì số tiền trốn thuế thường lớn hơn mức phạt mà họ phải chịu nếu bị phát hiện. Thực tế một số vụ án trốn thuế khác có quy mô tương tự hoặc nhỏ hơn nhưng vẫn bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn.

Điều cần lưu ý là việc xử phạt tiền trong vụ án này cho thấy sự cân nhắc của Tòa án trong việc bảo đảm thu hồi tài sản thất thoát (yếu tố khắc phục hậu quả) và khả năng thi hành án của các bị cáo. Các bị cáo đã khắc phục hoàn toàn hậu quả, toàn bộ số tiền trốn thuế hơn 19 tỷ đồng đã được nộp lại ngân sách nhà nước, đồng thời cũng có khả năng thi hành hình phạt tiền, giúp việc xử lý vụ án đạt được hiệu quả răn đe mà không làm gián đoạn nghiêm trọng đến cuộc sống của các bị cáo cũng như hoạt động kinh doanh hợp pháp (nếu có). Ngoài ra tuy có đồng phạm, nhưng hành vi phạm tội mang tính đồng phạm giản đơn, có sự phân công vai trò, nhưng không phải là đường dây tội phạm có tổ chức phức tạp, mà chỉ là hành vi vi phạm trong nội bộ một công ty. 

Nhìn chung, việc áp dụng hình phạt tiền và tình tiết giảm nhẹ là có cơ sở và phù hợp với nguyên tắc khoan hồng trong chính sách hình sự của nước ta hiện nay, đồng thời cách phân bổ hình phạt cũng hợp lý, tương ứng với mức độ trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án.

3. Những lưu ý rút ra từ bản án

Đối với doanh nghiệp, việc tuân thủ quy định về thuế là điều kiện tiên quyết để tránh rủi ro pháp lý. Doanh nghiệp cần hiểu rõ các quy định về thuế GTGT, đồng thời ý thức được rằng việc cố tình điều chỉnh hóa đơn để giảm nghĩa vụ thuế có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, khi thuê dịch vụ tư vấn thuế hoặc kế toán, doanh nghiệp cần lựa chọn đơn vị có uy tín, đảm bảo các hướng dẫn nhận được phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ chặt chẽ, hạn chế rủi ro từ hành vi gian lận thuế của cá nhân trong công ty.

Đối với kế toán và nhân viên tài chính, tính trung thực và chính xác trong kê khai thuế là nguyên tắc quan trọng. Kế toán không nên thực hiện các chỉ đạo vi phạm pháp luật, ngay cả khi đến từ cấp trên. Trong trường hợp nhận được yêu cầu điều chỉnh hóa đơn hoặc kê khai thuế sai sự thật, kế toán cần tư vấn lại và từ chối thực hiện nếu có dấu hiệu vi phạm.

Đối với cơ quan quản lý thuế, việc phát hiện và ngăn chặn sớm các hành vi gian lận thuế là rất quan trọng. Cơ quan thuế cần tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường trong kê khai thuế hoặc điều chỉnh hóa đơn. Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý hóa đơn điện tử cũng giúp phát hiện các giao dịch đáng ngờ một cách nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ quy định thuế, giúp họ hiểu rõ các rủi ro pháp lý khi có hành vi trốn thuế.

Đối với luật sư và những người làm công tác pháp lý, việc tư vấn phòng ngừa rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Luật sư có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống kiểm soát tuân thủ thuế, giúp họ tối ưu hóa nghĩa vụ thuế theo cách hợp pháp. Trong trường hợp doanh nghiệp hoặc cá nhân bị điều tra về trốn thuế, luật sư nên tư vấn họ chủ động hợp tác với cơ quan chức năng và khắc phục hậu quả sớm để được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo trong các vụ án thuế cần dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật nhưng vẫn đảm bảo sự công bằng trong xét xử.

Tóm lại, bản án này là một bài học thực tế quan trọng cho doanh nghiệp, kế toán, cơ quan thuế và những người làm công tác pháp lý. Việc tuân thủ quy định thuế ngay từ đầu sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Đồng thời, cơ quan thuế cũng cần có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, góp phần đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong hệ thống thuế.

———————-

Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, 
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; 
email: tmle@tlalaw.vn

Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464

TTT

Bài liên quan