Trong tiến trình hướng đến sự phát triển bền vững của loài người, thực thi nhân quyền là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết mà nhà nước phải hướng đến. Đặc biệt, thực hiện quyền con người của nhóm yếu thế nhất trong xã hội là người khuyết tật cần phải được đề cao. Bình đẳng về cơ hội việc làm cho người khuyết tật là một trong những vấn đề quan trọng để thực thi quyền con người. Họ là nhóm yếu thế rất dễ bị tổn thương nên cần được quan tâm, hỗ trợ từ mọi nguồn lực để xoá bỏ sự mặc cảm, kỳ thị.
Xét từ góc độ quyền con người, người khuyết tật cần phải được đảm bảo sự tự do, bình đẳng, được tôn trọng phẩm giá và được cống hiến, được khẳng định giá trị cá nhân, được đảm bảo quyền mưu sinh. Nhưng do sự hạn chế hoạt động thể chất nên việc tiếp cận việc làm của người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn vì nhà tuyển dụng “e ngại” do nhiều nguyên nhân: kỳ thị, năng suất lao động thấp và phải tốn thêm chi phí để xây dựng môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
Xét từ góc độ kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật sẽ giảm thiểu đáng kể gánh nặng cho nhà nước, giảm tình trạng nghèo đói trong gia đình có người khuyết tật. Bên cạnh hỗ trợ tài chính cho người khuyết tật thì việc tạo điều kiện cho họ có thể tham gia lao động, tạo ra thu nhập là điều rất cần thiết tạo nên sự phát triển bền vững của xã hội.
Xét về phương diện đạo đức, giải quyết việc làm cho người khuyết tật cũng là cách thể hiện sự nhân văn của xã hội loài người, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Nhà nước, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp phần giảm thiểu sự thiệt thòi cho những người kém may mắn. Chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người sử dụng lao động trong việc thuê mướn người lao động khuyết tật là một trong những công cụ quan trọng để đảm bảo việc làm cho người khuyết tật. Việc tạo điều kiện cho họ có thể cống hiến sức lao động sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia, khẳng định vị trí của bản thân để xóa bỏ sự mặc cảm, kỳ thị, sống hòa đồng, bình đẳng với mọi người.
Dù vậy, phải thừa nhận rằng việc sử dụng người lao động khuyết tật cũng đặt ra nhiều thử thách cho phía người sử dụng lao động. Bên cạnh khó khăn trong quản lý – điều hành, người sử dụng lao động còn phải đầu tư chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng người lao động khuyết tật thường xuất phát từ tính chất nhân đạo nhiều hơn là xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích người sử dụng lao động nhận người khuyết tật vào làm việc là rất cần thiết. Dưới đây là các chính sách ưu đãi của nhà nước đối với người sử dụng lao động nhằm khuyến khích họ tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc.
1. Hỗ trợ kinh phí nhằm cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật
1.1. Đối tượng được hưởng hỗ trợ kinh phí
Trách nhiệm của người sử dụng lao động khuyết tật là cải tạo điều kiện, môi trường làm việc, công cụ lao động phù hợp cho người khuyết tật. Để giảm gánh nặng tài chính cho người sử dụng lao động khuyết tật, có hai nhóm chủ thể được hỗ trợ kinh phí nhằm cải tạo điều kiện, môi trường làm việc
Thứ nhất, là cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật. Cơ sở sản xuất, kinh doanh được định nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động kinh doanh, sản xuất. Cách tính tỷ lệ người lao động khuyết tật trên tổng số lao động được hướng dẫn theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 26/2012/TT-BLĐTBXH như sau:
“Tỷ lệ % lao động là người khuyết tật được sử dụng tại cơ sở sản xuất, kinh doanh (sau đây được gọi tắt là CS SXKD) được tính bằng tổng số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm chia cho tổng số lao động bình quân trong năm của cơ sở sản xuất, kinh doanh nhân với 100.”
Tại thời điểm xét hỗ trợ, nếu cơ sở liên quan đang sử dụng từ 30% người lao động khuyết tật trên tổng số lao động thì được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật, không căn cứ vào thời gian thuê mướn người lao động khuyết tật. Các đối tượng này được hưởng tất cả các ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP.
Thứ hai, là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật vào làm việc ổn định sẽ được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.
1.2. Mức hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật
Pháp luật hiện hành không ấn định mức hỗ trợ cụ thể đối với việc sử dụng người lao động khuyết tật, mà việc hỗ trợ sẽ được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như: tỷ lệ sử dụng lao động khuyết tật, mức độ khuyết tật dựa vào Giấy xác nhận khuyết tật của những người khuyết tật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, quy mô của cơ sở sản xuất (lớn, vừa, nhỏ). Dựa vào các tiêu chí trên và thực tế tình hình kinh tế – xã hội tại địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động quyết định mức hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể. Điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục để được hỗ trợ hiện được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 26/2012/TT-BLĐTBXH.
1.3. Hỗ trợ thiết lập môi trường làm việc hòa nhập
Khoản 3 Điều 33 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định
“Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật”.
Môi trường làm việc phù hợp có thể xem xét ở nhiều góc độ như: ghế ở văn phòng có thể điều chỉnh được (dành cho người khuyết tật ở lưng); giờ làm việc linh hoạt (cho người trong tình trạng y tế đòi hỏi phải nghỉ giữa giờ), bàn phím máy tính với hệ thống chữ nổi Braille (cho người mù), có một người chịu trách nhiệm hướng dẫn công việc (cho người khuyết tật về trí tuệ hoặc tâm thần). Mặt khác, đối với từng loại khuyết tật khác nhau thì người khuyết tật cũng sẽ cần đáp ứng những nhu cầu về công cụ lao động phù hợp, lối đi, chỗ ngồi,…
2. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 9, 10 Nghị định 28/2012/NĐ-CP thì đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về thuế là cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng từ 30% người lao động khuyết tật trong tổng số lao động. Nghị định 28/2012/NĐ-CP không quy định trực tiếp vấn đề miễn thuế thu nhập doanh nghiệp mà việc áp dụng ưu đãi này được dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về thuế. Cụ thể, vấn đề này hiện được quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, một trong các thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là: “Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có số lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV bình quân trong năm chiếm từ 30% trở lên trong tổng số lao động bình quân trong năm của doanh nghiệp”. Đồng thời, doanh nghiệp thuộc diện được miễn thuế theo quy định này phải có số lao động bình quân trong năm ít nhất từ 20 người trở lên và không bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản.
3. Hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh
Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chính sách ưu đãi là “vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội”. Bên cạnh đó, điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm. Vấn đề này hiện được quy định tại Luật Việc làm năm 2013 và Nghị định số 61/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 74/2019/NĐ-CP. Theo đó, Điều 12 Luật Việc làm năm 2013 và Điều 23 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 74/2019/NĐ-CP (Nghị định 61) quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm được áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa sử dụng từ 30% lao động khuyết tật trở lên. Mức vay, thời hạn vay và lãi suất hiện được quy định tại Điều 24 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, theo đó, mức vay tối đa là hai tỷ đồng/ dự án và không quá 100 triệu đồng cho một người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; thời hạn cho vay không quá 60 tháng; lãi suất vay có sự khác biệt theo từng đối tượng và theo từng giai đoạn theo quy định của pháp luật.
4. Ưu đãi tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh
Theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước. Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật. Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Chính sách này thúc đẩy doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ hoặc doanh nghiệp hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về vốn và được tạo điều kiện về mặt bằng kinh doanh giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật tại địa phương.
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
_Nguyễn Anh Phương_