
Tranh chấp lao động tập thể là một vấn đề quan trọng trong môi trường làm việc, phản ánh mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Những tranh chấp này thường nảy sinh từ các yêu cầu về điều kiện làm việc, lương bổng, và quyền lợi của người lao động, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phát triển và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Việc hiểu rõ khái niệm và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động mà còn đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững của tổ chức và xã hội.
- Khái niệm
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa về tranh chấp lao động tập thể là gì tuy nhiên dựa vào nghĩa của các từ có thể hiểu tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp giữa một nhóm người lao động hoặc tổ chức đại diện cho người lao động với người sử dụng lao động.
Tranh chấp lao động tập thể được chia làm 2 loại căn cứ theo điều 179 BLLĐ 2019:
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:
- Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;
- Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;
- Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
- Tranh chấp lao động về lợi ích
- Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;
- Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động tập thể
Để giải quyết tranh chấp lao động tập thể nói riêng và tranh chấp lao động nói chung thì các bên cần tuân theo các nguyên tắc đã được BLLĐ quy định tại điều 180 như sau:
- Nguyên tắc 1: Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Nguyên tắc 2: Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
- Nguyên tắc 3: Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
- Nguyên tắc 4: Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Nguyên tắc 5: Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thuộc về các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây:
- Hòa giải viên lao động;
- Hội đồng trọng tài lao động;
- Tòa án nhân dân.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm. Đồng thời, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thuộc về các tổ chức, cá nhân sau đây:
- Hòa giải viên lao động;
- Hội đồng trọng tài lao động.
Ngoài ra, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
Thời hạn để thực hiện việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là 30 ngày kể từ khi thành lập ban trọng tài lao động.
- Mục đích của việc giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động
Trong quan hệ lao động, luôn phát sinh những mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa các cá nhân, tổ chức với nhau. Khi mâu thuẫn xảy ra, các bên đều muốn quyền lợi của mình được đảm bảo, vì vậy mới hướng đến sự can thiệp của pháp luật. Từ đó, có thể nhận thấy một số mục đích của việc giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động là:
- Tháo bỏ những khúc mắc liên quan đến tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên, giúp quan hệ lao động được duy trì.
- Giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng có thẩm quyền phát huy được vai trò của mình trong việc quản lý quan hệ lao động.
- Khi mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết, chất lượng lao động được nâng cao. Đây chính là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của chất lượng lao động, tăng hiệu quả nền kinh tế chung của Việt Nam; duy trì trật tự phát triển của nền kinh tế xã hội nước nhà.
Như vậy, trong bối cảnh hiện đại, việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể đòi hỏi một cơ chế linh hoạt và hiệu quả, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Qua việc xây dựng các quy định pháp lý rõ ràng và các phương thức thương lượng, đối thoại, chúng ta có thể giảm thiểu xung đột và hướng tới một môi trường làm việc hòa bình và hợp tác. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng giải quyết tranh chấp sẽ là chìa khóa để tạo ra sự bền vững trong quan hệ lao động.
————————————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Công ty Luật TNHH TLA
Địa chỉ: Tầng 7, số 6 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.com
Đinh Phương Thảo