Quy định về hợp đồng cho thuê lại lao động của Bộ luật Lao động năm 2019 có một số điểm mới so với trước đây, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và sử dụng lao động linh hoạt của đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động cho thuê lại lao động, tạo cơ sở pháp lý cần thiết để doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động thoả thuận các quyền và nghĩa vụ, lợi ích của mình đặc biệt là quyền lợi của người lao động thuê lại.
Hợp đồng cho thuê lại lao động được hiểu chung là việc một bên tiến hành tuyển dụng lao động (doanh nghiệp cho thuê lại lao động) nhưng sau đó lại cho đơn vị khác (bên thuê lại lao động) thuê lại những lao động này (người lao động thuê lại). trong mối quan hệ này, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động với người lao động thuê lại là quan hệ lao động được xác lập trên cơ sở của hợp đồng lao động, còn quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động với bên thuê lao động không phải quan quan hệ lao động và được xác lập trên cơ sở hợp đồng cho thuê lại lao động.
Tại Việt Nam, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
“1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;
b) Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại;
c) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
d) Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
đ) Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.
3. Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký với người lao động”.
1. Về chủ thể giao kết hợp đồng cho thuê lại lao động
Chủ thể giao kết hợp đồng cho thuê lại lao động gồm: doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động.
2. Về hình thức hợp đồng cho thuê lại lao động
Do hoạt động cho thuê lại lao động là hoạt động cung ứng dịch vụ hàng hoá đặc biệt (sức lao động của người lao động), nên để bảo vệ sức lao động của người lao động pháp luật quy định hình thức hợp đồng cho thuê lại lao động phải bằng văn bản. Mục đích không chỉ ràng buộc các bên trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình còn là cơ sở để các bên đảm bảo quyền lợi cho người lao động thuê lại. Ngoài ra, hình thức bằng văn bản còn là chứng cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp (nếu có).
3. Về nội dung hợp đồng cho thuê lại lao động
Nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động là các điều khoản mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động thoả thuận, bao gồm các cam kết về quyền và nghĩa vụ các bên phát sinh trong hoạt động thuê lại lao động. Do quyền lợi và nghĩa vụ các bên liên quan đến bên thứ ba là người lao động thuê lại nên nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động phải có các điều khoản chủ yếu như: công việc mà người lao động thuê lại phải làm; địa điểm làm việc; thời hạn cho thuê lại lao động; thời gian bắt đầu và kết thúc công việc; các vấn đề liên quan đến an toàn và sức khoẻ; giá nhân công cho thuê lại;…
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
_Nguyễn Anh Phương_