HỢP ĐỒNG BT VÀ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

1. Hợp đồng BT là gì?

Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 98/2023/QH15 quy định như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

…….

4. Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Hợp đồng BT) là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền và được thanh toán bằng ngân sách nhà nước để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận theo thỏa thuận tại hợp đồng.”

Như vậy ta có thể hiểu Hợp đồng BT (Build – Transfer) là hợp đồng xây dựng – chuyển giao, có hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền và được thanh toán bằng ngân sách nhà nước để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận theo thỏa thuận tại hợp đồng.

Ví dụ: Các dự án BT thường được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu đường, bệnh viện, trường học, sau đó nhà đầu tư có thể được giao đất ở các khu vực khác để phát triển dự án bất động sản bù lại chi phí.

2. Ưu nhược điểm của hợp đồng BT

  • Ưu điểm:

Hợp đồng BT mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong việc huy động nguồn lực xã hội. Một trong những ưu điểm nổi bật là giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách Nhà nước, nhờ vào việc tận dụng nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ khu vực tư nhân. Điều này giúp Nhà nước có thể triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn mà không cần chi trả ngay bằng tiền mặt. Đồng thời, việc hợp tác với nhà đầu tư tư nhân cũng thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình công cộng quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp bách về hạ tầng trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế.

Bên cạnh đó, hợp đồng BT còn khuyến khích sự chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Nhà nước nhận được công trình hạ tầng hoàn chỉnh, trong khi nhà đầu tư được giao quyền khai thác các quỹ đất hoặc tài sản công khác để thu hồi vốn và sinh lợi. Mô hình này cũng khuyến khích đầu tư dài hạn, bởi nhà đầu tư thường có động lực cam kết đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng lâu dài. Hơn nữa, việc nhà đầu tư chịu trách nhiệm triển khai dự án giúp cải thiện hiệu quả quản lý, giảm tình trạng trì trệ hoặc lãng phí so với khi Nhà nước tự thực hiện.

  • Nhược điểm:

Mặc dù có nhiều lợi ích, hợp đồng BT cũng tiềm ẩn một số hạn chế đáng lo ngại. Đầu tiên, nguy cơ thất thoát tài sản công là vấn đề lớn, đặc biệt khi việc định giá đất đai hoặc tài sản giao cho nhà đầu tư thiếu minh bạch. Trong một số trường hợp, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” có thể bị lạm dụng để giao đất với giá thấp hơn thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngân sách quốc gia. Ngoài ra, lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư đôi khi không cân xứng, với việc nhà đầu tư có thể thu được lợi nhuận vượt trội mà Nhà nước chỉ nhận được công trình ở mức tiêu chuẩn tối thiểu.

Một hạn chế khác nằm ở rủi ro pháp lý và giám sát. Quy trình phê duyệt và thực hiện hợp đồng có thể bị ảnh hưởng bởi tiêu cực hoặc tham nhũng, dẫn đến việc lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Thiếu cơ chế giám sát hiệu quả cũng khiến nhiều dự án bị kéo dài, đội vốn, hoặc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng phải đối mặt với rủi ro tài chính lớn trong giai đoạn xây dựng. Nếu không đủ năng lực tài chính, họ có thể gặp khó khăn trong việc hoàn thành dự án đúng hạn hoặc chất lượng.

Các mâu thuẫn có thể phát sinh trong quá trình khai thác sau khi dự án được chuyển giao. Nhà đầu tư đôi khi gặp phải sự phản đối từ cộng đồng địa phương hoặc trở ngại từ cơ quan quản lý nếu việc khai thác không phù hợp. Đồng thời, Nhà nước có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các điều khoản đã ký kết nếu phát sinh vấn đề ngoài dự kiến. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả, hợp đồng BT cần được thực hiện một cách minh bạch, công bằng và có sự giám sát chặt chẽ.

3. Một số văn bản pháp luật liên quan về hợp đồng BT

– Nghị định 11/2024/NĐ-CP quy định về lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

– Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao

– Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

– Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021).

4. Cách xác định giá trị Dự án BT

Căn cứ Điều 4 Nghị định 69/2019/NĐ-CP, việc xác định giá trị Dự án BT 2024 để thanh toán được quy định như sau:

a) Giá trị Dự án BT ghi tại Hợp đồng BT để thanh toán được xác định theo kết quả đấu thầu và không thay đổi kể từ ngày Hợp đồng BT được ký kết, trừ trường hợp quy định tại khoản (b).

b) Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị Dự án BT thì thực hiện như sau:

  • Giá trị điều chỉnh Dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của Hợp đồng BT.
  • Giá trị điều chỉnh Dự án BT ghi tại Phụ lục Hợp đồng BT được tổng hợp vào giá trị Dự án BT để thanh toán, quyết toán Hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật.

c) Giá trị Dự án BT để thanh toán là giá trị Dự án BT được quyết toán theo quy định của pháp luật.

————————

Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, 
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; 
email: tmle@tlalaw.vn

Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: https://tlalaw.vn/

Hotline: 0906246464

_Nguyễn Thu Phương_

Bài liên quan