Thay Đổi Về Chế Độ Thai Sản Từ 01/7/2025: Những Điểm Mới Theo Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2024

Ngày 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều thay đổi quan trọng về chế độ thai sản. Những thay đổi này không chỉ mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng mà còn điều chỉnh các quy định hiện hành nhằm đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Hãy cùng TLA tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Mở rộng đối tượng hưởng chế độ thai sản

Theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, các đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản bao gồm:

  • Viên chức quốc phòng
  • Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 có hưởng tiền lương hoặc không hưởng tiền lương;
  • Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;
  • Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.
  • Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí.
  • Người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:
    • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
    • Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;
    • Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Quy định mới này giúp mở rộng phạm vi áp dụng, đảm bảo tính công bằng và toàn diện trong chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt với nhóm lao động nước ngoài và chủ hộ kinh doanh – những đối tượng trước đây chưa được bảo vệ bởi chế độ thai sản.

2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản linh hoạt hơn

Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bổ sung thêm các điều kiện linh hoạt cho các trường hợp đặc biệt:

  • Lao động nữ mang thai hộ: Phải đóng BHXH bắt buộc đủ 3 tháng trong 12 tháng trước khi sinh nếu phải nghỉ việc dưỡng thai.
  • Lao động nữ sinh con điều trị vô sinh: Phải đóng BHXH bắt buộc đủ 6 tháng trong vòng 24 tháng trước khi sinh.

3. Tăng thời gian nghỉ khám thai

Theo Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ ngày 01/7/2025, lao động nữ được phép nghỉ tối đa 2 ngày mỗi lần khám thai trong mọi trường hợp.

Khác biệt với quy định hiện hành: Trước đây, chỉ áp dụng nghỉ 2 ngày khi ở xa cơ sở y tế, mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường.

Điều này mang lại sự thuận tiện hơn, giúp lao động nữ dễ dàng chăm sóc sức khỏe thai kỳ.

4. Áp dụng chế độ thai sản khi phá thai trong mọi trường hợp

Quy định hiện hành (Điều 33 Luật BHXH 2014) chỉ cho phép áp dụng với phá thai bệnh lý.

Theo Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, chế độ thai sản sẽ áp dụng cho cả trường hợp phá thai bệnh lý và ngoài ý muốn. 

Thay đổi này không chỉ nhân văn hơn mà còn bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ trong những trường hợp khó khăn.

5. Điều chỉnh số tuần tuổi thai để tính thời gian nghỉ

Theo Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024:

  • Nghỉ 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần đến dưới 22 tuần tuổi.
  • Nghỉ 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên.

So với quy định hiện hành: Thời gian nghỉ hiện tại áp dụng cho thai từ 13 tuần đến dưới 25 tuần tuổi và từ 25 tuần tuổi trở lên. Quy định mới tinh chỉnh để phù hợp hơn với thực tế.

6. Lần đầu tiên áp dụng chế độ thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện

Theo Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng trợ cấp thai sản với mức 2.000.000 đồng/mỗi con. Trường hợp thai từ 22 tuần tuổi trở lên bị mất cũng được áp dụng mức trợ cấp này.

Trước đây, chế độ thai sản chỉ áp dụng cho người tham gia BHXH bắt buộc.

Những thay đổi về chế độ thai sản từ 01/7/2025 không chỉ mở rộng phạm vi đối tượng mà còn nâng cao quyền lợi cho lao động nữ, đảm bảo tính nhân văn và phù hợp hơn với thực tế. Đây là một bước tiến quan trọng trong chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam, mang lại sự an tâm và hỗ trợ tốt hơn cho người lao động.

 _____________________

Liên hệ Luật sư tư vấn:

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, 

email: vtpthanh@tlalaw.vn;

2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; 

email: tmle@tlalaw.vn

Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: https://tlalaw.vn/

Hotline: 0906246464

_LTTTra_

Bài liên quan