NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CÓ ĐƯỢC CHẬM TRẢ LƯƠNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG ?

Tiền lương không chỉ là thành quả lao động mà còn là quyền lợi thiết yếu, gắn liền với đời sống của người lao động. Tuy nhiên, tình trạng chậm trả lương vẫn xảy ra ở nhiều nơi, đặt ra câu hỏi: người sử dụng lao động có được phép chậm trả lương hay không? Nếu có, pháp luật quy định ra sao về điều kiện và giới hạn? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những khía cạnh pháp lý xoay quanh vấn đề này.

1. Định nghĩa

Theo Điều 90 Luật Lao động năm 2019 quy định về tiền lương như sau:

1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Tiền lương được thanh toán bằng tiền Đồng Việt Nam theo thỏa thuận hợp đồng. Đối với người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể trả bằng ngoại tệ.

Nguyên tắc trả lương:

– NSDLD phải trả lương trực tiếp và đầy đủ cho NLĐ, dựa trên thỏa thuận, năng suất và chất lượng thực hiện công việc.

– NSDLĐ không được can thiệp hay có hành vi ép buộc ảnh hưởng đến quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ.

– NSDLĐ phải đảm bảo trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính với NLĐ làm công việc có giá trị ngang nhau.

– NLĐ phải được đảm bảo hưởng lương đúng kỳ hạn nếu làm việc theo giờ ngày tuần hoặc theo tháng hoặc theo sản phẩm, theo khoán quy định tại Điều 97.

2. Trường hợp được phép chậm trả lương 

Căn cứ theo khoản 4 Điều 97 thì NSDLĐ chỉ được chậm trả lương cho NLĐ trong trường hợp bất khả kháng, cụ thể:

– Trường hợp:

  • Lý do bất khả kháng: Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc các sự kiện khách quan khác mà doanh nghiệp đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng hạn.
  • Trường hợp này, thời gian chậm trả không được chậm quá 30 ngày kể từ ngày đến hạn trả lương.

– Nghĩa vụ bồi thường:

  • Nếu chậm trả dưới 15 ngày thì không phải bồi thường, trừ khi có thỏa thuận khác trong hợp đồng.
  • Chậm trả lương từ 15 ngày trở lên, NSDLĐ phải đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của tiền trả chậm tính theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản để trả lương.

[Tiền bồi thường ] = [Tiền lương chậm trả] x [Lãi suất tháng] / năm  x [Số ngày chậm]

Ví dụ:  Công ty A ký hợp đồng lao động với B, trong đó:

– Tiền lương tháng 7 của A là 10.000.000 đồng.

– Thời hạn trả lương: 05/7

– Ngày thực tế trả lương 22/7 → Trễ 17 ngày

– Giả sử lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng: 4% / năm

→  Tiền đền bù là 10.000.000 x 4% / 365 x 17 ≈ 18.630 đồng

Vì vậy, ngoài việc trả đủ 10.000.000 đồng tiền lương thì NSDLĐ còn phải trả thêm khoảng 18.630 đồng cho A vì đã chậm trễ lương trong 17 ngày.

3. Mức xử phạt khi người sử dụng lao động chậm trả lương

Theo Nghị định số 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, NSDLĐ nếu bị phát hiện hành vi vi phạm về chế độ tiền lương sẽ bị xử phạt theo hình thức chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 17, NSDLĐ nếu không trả lương đúng hạn cho NLĐ thì sẽ bị xử phạt theo mức độ dưới đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên

Mức phạt tiền sẽ bằng 02 lần đối với NSDLĐ là tổ chức tại Nghị định trên theo khoản 2 và khoản 3 Điều 6.

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 5 Điều 17 còn bị áp dụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Có thể thấy, việc chậm lương, dù với bất kỳ lý do nào, cũng có thể làm tổn hại đến quyền lợi chính đáng của người lao động và kéo theo những hệ lụy pháp lý không nhỏ cho doanh nghiệp. Thay vì trì hoãn, người sử dụng lao động nên lựa chọn con đường đối thoại cởi mở, minh bạch tài chính và giữ vững cam kết – bởi tiền lương không chỉ là thu nhập, mà còn là sự ghi nhận và tôn trọng đối với những đóng góp của người lao động.

———————————

Liên hệ Luật sư tư vấn:

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội,

email: vtpthanh@tlalaw.vn

2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Đoàn Luật sư Hà Nội;

email: tmle@tlalaw.vn

Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: https://tlalaw.vn/

Hotline: 0906246464

TTQ

Bài liên quan