Tranh chấp đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm, dễ làm nảy sinh mâu thuẫn và kéo dài nếu không được xử lý kịp thời, đúng hướng. Trong bối cảnh đó, hòa giải tại địa phương đóng vai trò như bước đi đầu tiên – vừa mang tính nền tảng, vừa thể hiện tinh thần thấu hiểu và thiện chí giữa các bên. Đây không chỉ là thủ tục cần thiết mà còn là cơ hội để các bên tìm lại tiếng nói chung, tránh những căng thẳng không đáng có. Vậy quy trình hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở được tiến hành ra sao để vừa đảm bảo hiệu quả, vừa đúng quy định pháp luật?

1. Những điểm mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Từ ngày 01/7/2025:
– Theo mô hình 2 cấp: Xã và Tỉnh (Nghị định số 151/2025/NĐ-CP).
– UBND cấp huyện bị xóa bỏ, toàn bộ thẩm quyền được chuyển giao cho UBND cấp xã và UBND cấp tỉnh.
– Chủ tịch UBND cấp xã:
- Tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở.
- Giải quyết các tranh chấp mà các bên không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ hợp pháp khác (Điều 137 Luật Đất đai 2024)
– Chủ tịch UBND cấp tỉnh
- Giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai có tình tiết phức tạp, liên quan đến tổ chức, dự án hoặc vượt thẩm quyền cấp xã.
- Thời hạn giải quyết: Tối đa 50 ngày
– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp đất đai trong một số trường hợp đặc biệt theo phân cấp.
→ Việc loại bỏ cấp huyện là bước cải cách quan trọng, giúp rút gọn đầu mối, giảm chồng chéo và tăng tính minh bạch trong xử lý tranh chấp đất đai.
2. Các hình thức hòa giải
a) Hòa giải tự nguyện
Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc hòa giải thông qua:
– Hòa giải ở cơ sở (theo Luật Hòa giải ở cơ sở)
– Hòa giải thương mại (nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh)
– Các hình thức hòa giải khác theo quy định pháp luật
b) Hòa giải bắt buộc tại UBND cấp xã theo Luật Đất đai 2024
– Là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện ra Tòa án hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
– Nếu không thực hiện bước này, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
3. Trình tự hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã
– Đây là thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện ra Tòa án hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, được quy định chi tiết tại Điều 235 Luật Đất đai 2024 và Điều 105 Nghị định 102/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai
– Nếu không thực hiện bước này, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Bước 1: Người dân nộp đơn yêu cầu hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp hoặc qua Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp xã phải thông báo về việc thụ lý hoặc từ chối đơn yêu cầu hòa giải bằng văn bản cho các bên tranh chấp và Văn phòng đăng ký Đất đai hoặc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 3: UBND xã thẩm tra, xác minh nguyên nhân tranh chấp, thu thập tài liệu về nguồn gốc đất, quá trình và hiện trạng sử dụng đất.
Bước 4: Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai, gồm: Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc việt Nam cấp xã, cán bộ địa chính, người dân hiểu rõ về thửa đất.
Tùy từng trường hợp, có thể mời thêm cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Bước 5: Tổ chức phiên hòa giải tại UBND cấp xã vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đơn (có thể gia hạn thêm 10 đối với xã miền núi, biên giới , hải đảo,…).
Chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Nếu vắng mặt lần hai → hòa giải không thành.
Bước 6: Kết quả được lập thành biên bản hòa giải, gồm các nội dung về thời gian, địa điểm; thành phần tham dự; tóm tắt nội dung tranh chấp …; ý kiến của Hội đồng hòa giải; những nội dung đã có hoặc không thỏa thuận.
Phải có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và đóng dấu của UBND cấp xã.
4. Kết quả hòa giải và hậu quả pháp lý
– Hòa giải thành: Theo khoản Điều 235 Luật Đất đai 2024, nếu có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất → các bên phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan đăng ký đất đai trong vòng 30 ngày làm việc → Thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nếu có thay đổi.
Trong thời hạn 10 ngày, các bên tranh chấp có ý kiến khác với nội dung đã thống nhất trước đó → Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lại cuộc họp → Xem xét, giải quyết lại đối với ý kiến bổ sung → Lập biên bản và ghi rõ kết quả hòa giải mới.
– Hòa giải không thành: UBND cấp xã hướng dẫn các bên gửi đơn đến cơ quan tiếp theo để tiếp tục giải quyết.
Có thể gửi đơn đến UBND cấp tỉnh (vụ hành chính) hoặc khởi kiện giải quyết tranh chấp ra Tòa án (hình thức tố tụng).
Hòa giải tại địa phương không chỉ là một bước thủ tục bắt buộc trong nhiều trường hợp tranh chấp đất đai, mà còn là cơ hội để các bên lắng nghe, thấu hiểu và cùng nhau tháo gỡ mâu thuẫn một cách ôn hòa. Khi được tiến hành đúng quy trình, minh bạch và có sự đồng hành trách nhiệm từ chính quyền cơ sở, hòa giải không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn mở ra cánh cửa cho sự đồng thuận – điều mà đôi khi, một phán quyết pháp lý cũng khó lòng mang lại trọn vẹn.
———————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
TTQ