Trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người Việt, thờ cúng tổ tiên là một phong tục quan trọng, thể hiện lòng hiếu kính và sự tri ân đối với những người đã khuất. Để duy trì nghi lễ này, nhiều gia đình dành riêng một phần di sản để lo việc thờ cúng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: di sản dùng vào việc thờ cúng được hiểu như thế nào theo quy định của pháp luật? Liệu phần di sản này có thể được chuyển nhượng, mua bán hay không? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ khái niệm di sản dùng vào việc thờ cúng và các quy định liên quan đến quyền định đoạt đối với loại tài sản đặc biệt này.

1. Định nghĩa về di sản dùng cho việc thờ cúng
1.1. Di sản thừa kế là gì
Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Di sản được chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật kể từ thời điểm mở thừa kế. Trong đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Người thừa kế là người còn sống và thường có một mối quan hệ nào đó với người đã khuất.
1.2. Di sản thừa kế dùng cho việc thờ cúng
Di sản thừa kế dùng trong việc thờ cúng được nhắc tới trong Bộ Luật Dân sự 2015 tại Điều 673, theo đó có thể hiểu: Di sản thờ cúng được để lại theo ý muốn của người lập di chúc, không chia mà được giao cho một người quản lý. Di sản có thể là một tài sản cụ thể ví dụ như nhà cửa. Nếu là bất động sản, cây lâu năm thì người trông coi được thu hoa lợi, lợi tức và dùng vào việc thờ cúng.
2. Khi nào được để lại di sản thừa kế cho việc thờ cúng?
Điều 626 BLDS 2015 quy định quyền của người lập di chúc như sau:
“Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”
Như vậy, việc để dành một phần di sản cho việc thờ cúng chỉ xảy ra trong thừa kế theo di chúc, còn trong thừa kế theo pháp luật thì không có vấn đề di sản thờ cúng.
3. Một số những vấn đề xoay quanh di sản thừa cúng
3.1. Khi nào di sản thờ cúng không được dùng để làm thờ cúng dù có di chúc
Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”
Điều luật này quy định rằng nếu người đã mất để lại di sản, nhưng toàn bộ di sản đó không đủ để thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của họ, thì không được trích một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ, ưu tiên thanh toán nghĩa vụ tài chính trước khi xem xét các mục đích khác.
3.2. Di sản thờ cúng có được bán hay không
Cũng căn cứ theo khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
“Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng”.
Như vậy có thể thấy, người quản lý di sản thờ cúng phải có nghĩa vụ trông coi, quản lý và duy trì việc thờ cúng. Mặt khác phần di sản này không nằm trong phần di sản thừa kế nên sẽ không được sử dụng vào bất kì mục đích nào khác ngoại trừ viêc thờ cúng. Chính vì vậy, phần di sản thờ cúng sẽ không thể mua, bán vì đây không phải là phần di sản thừa kế của người chết để lại.
Di sản thờ cúng là một phần tài sản đặc biệt trong di chúc, được dành riêng để phục vụ mục đích thờ cúng tổ tiên và duy trì truyền thống gia đình. Tuy nhiên, việc sử dụng di sản này phải tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt là không được dành một phần di sản cho việc thờ cúng nếu toàn bộ di sản không đủ để thanh toán các nghĩa vụ tài chính của người đã khuất. Đồng thời, di sản thờ cúng không thuộc diện phân chia thừa kế và không thể mua bán, mà phải được giao cho người được chỉ định quản lý nhằm thực hiện đúng mục đích theo ý chí của người lập di chúc. Những quy định này không chỉ đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan mà còn giúp duy trì ý nghĩa tâm linh của việc thờ cúng trong khuôn khổ pháp luật.
———————-
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
Nguyễn Hương Huyền