Vấn đề tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực bản quyền tác phẩm, ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam khi ngành công nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Một trong những vụ kiện gây chú ý nhất trong lĩnh vực này là vụ tranh chấp bản quyền bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”, được xét xử theo Bản án số 774/2019/DSPT ngày 03/09/2019. Vụ việc không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận mà còn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý quan trọng liên quan đến quyền tác giả, quyền nhân thân, quyền tài sản và cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

1. Thông tin các bên
- Nguyên đơn: Ông Lê Phong L, sinh năm 1974
- Bị đơn:
- Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và Giải trí PT (trước đây là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học PT).
Địa chỉ trụ sở hiện tại: Số 6 P, phường Đ, Quận D, TP. Hồ Chí Minh. - Người đại diện theo pháp luật: Bà Phan Thị Mỹ H1 (sinh năm 1965).
- Cả Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và Giải trí PT và bà Phan Thị Mỹ H1 đều là đồng bị đơn trong vụ án này.
2. Tóm tắt vụ việc
Bộ truyện tranh thiếu nhi E do ông Lê Phong L sáng tác và Công ty PT xuất bản. Theo hồ sơ đăng ký bản quyền, quyền tác giả thuộc về đồng tác giả là ông L và bà Phan Thị MH, còn quyền tài sản thuộc về Công ty PT.
Sau khi phát hành đến tập 78, ông L ngừng hợp tác với PT. Công ty tiếp tục xuất bản các tập sau mà không ghi tên tác giả, với lý do họ có quyền sở hữu đối với tác phẩm và có thể thuê người khác sáng tác. Khi phát hiện bà MH được ghi là đồng tác giả, ông L khởi kiện, yêu cầu xác định mình là tác giả duy nhất của truyện, buộc PT ngừng sáng tác các biến thể nhân vật và công khai xin lỗi.
Trong khi vụ kiện đang diễn ra, ông L sáng tác bộ truyện mới, nhưng PT cho rằng một số nhân vật là biến thể từ tác phẩm cũ thuộc quyền sở hữu của họ. PT kiện ngược ông L về hành vi vi phạm bản quyền và yêu cầu bồi thường. Sau nhiều lần hòa giải không thành, vụ việc kéo dài suốt 12 năm.
Ngày 18/2/2019, Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM tuyên án sơ thẩm, xác định ông L là tác giả duy nhất của bốn nhân vật trong truyện E, bác bỏ tư cách đồng tác giả của bà MH. Tòa buộc PT ngừng sử dụng các nhân vật này, công khai xin lỗi và bồi thường cho ông L.
Sau khi Tòa án Nhân dân Quận 1 đưa ra phán quyết sơ thẩm vào ngày 18/2/2019, Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT và bà Phan Thị Mỹ H1 đã kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa án sơ thẩm, công nhận quyền tài sản của Công ty PT đối với hình tượng các nhân vật O, P, Q, R và xác nhận bà Phan Thị Mỹ H1 là đồng tác giả với ông Lê Phong L. Công ty PT cho rằng tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không triệu tập Cục Bản quyền tác giả, đồng thời khẳng định hình vẽ của các nhân vật không phải là sản phẩm sáng tạo cá nhân của ông Lê Phong L và rằng công ty có quyền tạo ra các tác phẩm phái sinh từ những hình tượng này.
3. Lập luận các bên
Vấn đề tranh chấp | Lập luận của Nguyên đơn (Ông Lê Phong L) | Lập luận của Bị đơn (Công ty PT và bà Phan Thị Mỹ H1) |
---|---|---|
Tác giả của 4 nhân vật O, P, Q, R | – Ông L là người trực tiếp vẽ và sáng tạo 4 nhân vật – Bà H1 và đồng nghiệp chỉ hỗ trợ mua tư liệu, lọc nét, xử lý màu – Trên tất cả trang bìa tập truyện đều ghi tác giả là Lê L (bút danh) – Công ty chỉ là chủ sở hữu quyền tác giả | – Bà H1 là tác giả vì ý tưởng đã định hình rõ ràng trong trí óc bà – Ông L chỉ là người được thuê để vật thể hóa ý tưởng – Ông L vẽ dưới sự kiểm soát, giám sát của bà H1 – Ông L không có không gian sáng tạo dấu ấn cá nhân |
Quan hệ làm việc | – Ông L đến làm việc tại Công ty PT để hợp tác, không phải lao động theo hợp đồng – Các văn bản ký cho Công ty PT chỉ để hợp thức hóa việc xin cấp Giấy chứng nhận | – Ông L làm việc theo hợp đồng lao động – Ông L được giao nhiệm vụ vẽ minh họa – Ông L đã ký văn bản xác nhận được giao nhiệm vụ vẽ các nhân vật |
Xâm phạm quyền tác giả | – Công ty tiếp tục phát hành truyện từ tập 79 trở đi với hình thức thể hiện khác của 4 nhân vật – Các tập mới không ghi nhận phần tranh là sử dụng tác phẩm của tác giả Lê L – Thuê họa sĩ vẽ lại làm biểu cảm không tự nhiên, sinh động | – Công ty là chủ sở hữu nên có quyền sử dụng 4 nhân vật vào hoạt động kinh doanh – Việc sử dụng hình tượng 4 nhân vật trong các tập tiếp theo là hoạt động làm tác phẩm phái sinh |
Yêu cầu xin lỗi và bồi thường | – Yêu cầu Công ty PT công khai xin lỗi – Yêu cầu bồi thường chi phí luật sư 20 triệu đồng | – Phản đối toàn bộ yêu cầu |
Tòa án áp dụng Bộ luật Dân sự 1995 và Luật Sở hữu trí tuệ để giải quyết vụ án này, trong đó xác định quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức vật chất nhất định, và người trực tiếp sáng tạo tác phẩm được công nhận là tác giả.
4. Nhận định của Toà án
- Về hành vi xâm phạm quyền tác giả: Công ty PT đã xâm phạm quyền nhân thân của tác giả khi sử dụng hình thức thể hiện của 4 nhân vật trên các tập từ tập 79 trở đi mà không có sự đồng ý của tác giả và không ghi chú rõ việc sử dụng hình thức thể hiện là tác phẩm của ông L.
- Về hình thức và thời hạn kháng cáo: Kháng cáo của bà Phan Thị Mỹ H1 và Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT còn trong hạn luật định và hợp lệ.
- Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền: Vụ kiện liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa cá nhân và tổ chức nhưng không có mục đích lợi nhuận, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa bác bỏ lập luận cho rằng vụ kiện mang mục đích lợi nhuận.
- Về yêu cầu triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tòa không chấp nhận yêu cầu triệu tập Cục Bản quyền tác giả vì việc Tòa công nhận hiệu lực Giấy chứng nhận quyền tác giả không liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Cục.
- Về việc xác định tác giả: Tòa xác nhận ông Lê Phong L là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện các nhân vật O, P, Q, R. Tòa không chấp nhận lập luận của bị đơn rằng bà H1 là tác giả vì những hình tượng đã hình thành trong trí óc của bà. Theo quy định pháp luật, tác giả là người trực tiếp sáng tạo và thể hiện tác phẩm dưới hình thức vật chất nhất định, trong trường hợp này là ông L.
5. Quyết định của Toà án:
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn là bà Phan Thị Mỹ H1 và Công ty PT. Giữ nguyên bản án sơ thẩm, cụ thể:
- Công nhận ông Lê Phong L là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R trong bộ truyện tranh E từ tập 01 đến tập 78.
- Buộc Công ty PT chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng các biến thể của hình thức thể hiện của các nhân vật O, Q, P, R trên các tập tiếp theo từ tập 79 của truyện tranh E và các ấn bản khác.
- Buộc Công ty PT phải xin lỗi ông L trên Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ trong 03 số liên tiếp.
- Buộc Công ty PT thanh toán cho ông L chi phí thuê luật sư là 15.000.000 đồng.
Về án phí: Bà H1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm. Công ty PT cũng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm theo quy định.
6. Vấn đề được rút ra qua bản án
6.1. Quyền tác giả, tác phẩm là gì?
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.”
Trong vụ việc, bên phía bà H1 cho rằng ông L chỉ là người được bà thuê lại để “hiện thực hoá” ý tưởng trong đầu bà về các nhân vật, tuy nhiên theo như Luật quy định, tác phẩm phải được thể hiện dưới dạng vật chất tức là các nhân vật phải được thể hiện dưới dạng hình vẽ, đường nét. Trong việc này, bà H1 không thể chứng minh được các tưởng tượng trong đầu bà là có thật bằng cách nào và có giống với những gì ông Lê Phong L thể hiện ra hay không. Do đó, việc ông Lê Phong L đòi hỏi quyền lợi mình là tác giả duy nhất của các tác phẩm này, sáng tạo và được trả nhuận bút từ Công ty PT, là có căn cứ và lập luận rất rõ ràng
6.2. Quyền nhân thân của tác giả có thể được chia sẻ hay không?
Bằng chứng quan trọng mà bên bị đơn luôn đưa ra để phản bác quyền tác giả của ông Lê Phong L là văn bản ký ngày 29.3.2002 gửi Cục Bản quyền tác giả để xin cấp giấy chứng nhận bản quyền cùng đứng tên với bà H1. Tuy nhiên, vì quyền đứng tên tác giả của tác phẩm là quyền nhân thân, theo quy định tại Khoản 2, Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ:
“Quyền này không được chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào.”
Do đó, nếu nguyên đơn có công nhận đồng ý chia sẻ cho bà H1 toàn bộ hay một phần quyền nhân thân của mình trong việc sáng tạo 4 hình tượng nhân vật thì pháp luật cũng không cho phép.
6.3. Chủ sở hữu có quyền làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm?
Chủ sở hữu, theo quy định tại Điều 25 Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn luật sở hữu trí tuệ năm 2005:
“Chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Điều 36 của Luật sở hữu trí tuệ bao gồm:
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam.
4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Trong trường hợp này, đúng là ông Lê Phong L làm việc tại công ty PT và sáng tạo truyện dưới phân công và nhiệm vụ trong quá trình lao động tại công ty này, do đó công ty PT có quyền sở hữu tác phẩm.
Có quy định về quyền đáng chú ý ở đây, thứ nhất là Quyền tác giả quy định tại điều 19 Luật SHTT 2005 bao gồm:
“1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”
Thứ hai là Quyền tài sản theo quy định tài Điều 20 Luật SHTT 2005:
“1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.”
Thông thường nếu tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm thì sẽ được hưởng cả 2 quyền trên, tuy nhiên ở đây bên công ty PT mới là chủ sở hữu tác phẩm, đúng là các nhân vật được tạo ra theo sự phân công của công ty nên bộ truyện được công ty công bố và xuất bản, nhưng vì ông Lê Văn L vẫn là tác giả duy nhất nên việc làm các tác phẩm phái sinh của công ty sau tập 78 khi các hình tượng nhân vật có sự thay đổi, khác biệt,… thì phải có sự cho phép của ông L – cũng chính là nhận định mà Toà án đưa ra.
Kết luận vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp này đã làm rõ nhiều vấn đề pháp lý quan trọng về quyền tác giả, quyền nhân thân và quyền tài sản. Vụ việc không chỉ phản ánh sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam mà còn nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả trong bối cảnh phát sinh tranh chấp bản quyền. Câu chuyện giữa ông Lê Phong L và Công ty PT đã khẳng định rằng quyền tác giả, đặc biệt là quyền nhân thân, là không thể chuyển nhượng và bảo vệ sự sáng tạo của tác giả là trách nhiệm của pháp luật. Bản án đã xác nhận quyền sở hữu và quyền tài sản của các tác giả, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng quyền lợi của những người sáng tạo trong ngành công nghiệp sáng tạo, nhằm đảm bảo môi trường pháp lý công bằng và bền vững cho các tác phẩm trí tuệ tại Việt Nam.
———————-
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
Nguyễn Hương Huyền