Văn bản công chứng điện tử

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trực diện đến nhiều mặt đời sống xã hội, trong đó có sự thay đổi nhận thức về hoạt động công chứng. Quá trình ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học công nghệ, nhất là sự gia tăng quá trình chuyển đổi số đang là thách thức lớn đối với những tư duy pháp lý truyền thống, đòi hỏi những điều chỉnh thích ứng. Ở Việt Nam, hoạt động công chứng đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò, góp phần quan trọng trong việc duy trì trật tự, an toàn pháp lý của các giao dịch trong đời sống xã hội.

1. Khái niệm văn bản công chứng điện tử

Trong đời sống xã hội nói chung, trong hoạt động công chứng nói riêng, giao dịch dân sự là công cụ pháp lý hữu ích để chủ thể tham gia thỏa mãn nhu cầu thỏa thuận cả về vật chất lẫn tinh thần. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: 

“Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”. Thông qua hình thức giao dịch dân sự bằng văn bản, trong đó bao gồm văn bản thông thường và văn bản có công chứng, chứng thực.

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia chỉ ghi nhận giá trị pháp lý của giao dịch điện tử. Luật Thống nhất về giao dịch điện tử Hoa Kỳ năm 1999 (UETA) quy định: “Một hợp đồng không mất đi hiệu lực pháp lý chỉ vì nó được hình thành bằng một bản ghi điện tử”. Luật Giao dịch điện tử Canada năm 2001 quy định: “Hợp đồng không bị vô hiệu hoặc không thể thực thi chỉ bởi lý do thông tin hoặc bản ghi điện tử đã được sử dụng để thiết lập hợp đồng”. Luật Giao dịch điện tử năm 1998 của Singapore quy định: “Trường hợp một bản ghi điện tử được sử dụng trong việc hình thành hợp đồng, thì hợp đồng đó không bị phủ nhận giá trị pháp lý hoặc hiệu lực thực thi chỉ vì lý do duy nhất một bản ghi điện tử đã được sử dụng cho mục đích đó”.

Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, theo đó:“Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có nhắc đến khái niệm giao dịch điện tử, theo đó: “Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử.” Tuy nhiên, nhìn nhận khái niệm giao dịch điện tử ở Luật Giao dịch điện tử năm 2023 cho thấy chưa bao quát tính cụ thể trong cách định nghĩa, chỉ dừng lại ở việc ghi nhận sự khác biệt giữa giao dịch thông thường với giao dịch điện tử.

Khoản 4 Điều 2 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định: “Văn bản công chứng điện tử là văn bản công chứng được tạo lập bằng phương thức công chứng điện tử”.

2. Những điểm khác biệt cơ bản giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng truyền thông

Văn bản công chứng điện tử là hình thức ghi nhận sự thỏa thuận giữa các chủ thể tham gia về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ thông qua phương thức điện tử dưới dạng thông điệp dữ liệu.

– Về sự ưng thuận: Trong văn bản công chứng điện tử thông qua việc sử dụng những công cụ và giao thức của thông điệp dữ liệu, liệu rằng ý chí của sự ưng thuận có thật sự dễ dàng được biểu đạt như là văn bản công chứng truyền thống. Một thao tác nhấp chuột hay một thao tác gõ bàn phím liệu có đủ rõ ràng cho sự thống nhất thỏa thuận ý chí giữa các chủ thể tham gia. Và khi có sự thay đổi, điều chỉnh ý chí thì có những cách thức nào cho sự lựa chọn thay đổi và điều chỉnh.

– Về chủ thể: Trong văn bản công chứng điện tử, ngoài các bên tham gia giao dịch dân sự còn có sự sự xuất hiện của các chủ thể khác có liên quan như các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận văn bản công chứng điện tử trên môi trường điện tử. Những tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức hành nghề công chứng thực hiện chức năng gửi, lưu trữ thông tin giữa các bên tham gia xác lập giao dịch dân sự và cung cấp những thông tin cần thiết xác nhận mức độ tin cậy của thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện văn bản công chứng điện tử. 

– Về ký kết: Trong văn bản công chứng phải có đầy đủ chữ ký của các chủ thể tham gia nhằm khẳng định sự thống nhất thỏa thuận về những điều khoản của giao dịch dân sự. Đối với văn bản công chứng điện tử, việc tạo lập chữ ký hay đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng sẽ có sự khác biệt so với văn bản công chứng truyền thống. Với văn bản công chứng truyền thống, công chứng viên chỉ cần ký tên (ký tay) và đóng dấu (trực tiếp) của tổ chức hành nghề công chứng vào văn bản công chứng thì văn bản công chứng phát sinh hiệu lực. Đối với văn bản công chứng điện tử, công chứng viên sử dụng thiết bị và phần mềm chuyên dụng số hóa giao dịch dân sự mà người yêu cầu công chứng đã ký và ký chứng nhận giao dịch dân sự đó bằng chữ ký số. 

– Về quy trình: Theo quy trình công chứng truyền thống được hướng dẫn tại Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng năm 2014, gần như các bước của quy trình phải có sự gặp gỡ trực tiếp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên để thực hiện việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch. Dự thảo Luật Công chứng (sira đổi) cho phép người yêu cầu công chứng có thêm lựa chọn trong việc thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử thông qua 02 quy trình công chứng điện tử (trực tiếp hoặc trực tuyến). Khác với quy trình công chứng điện tử trực tiếp, quy trình công chứng điện tử trực tuyến theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bắt buộc người yêu cầu công chứng phải lựa chọn giải pháp sử dụng chữ ký số cho việc ký tên vào hợp đồng giao dịch. 

3. Thời điểm phát sinh hiệu lực của văn bản công chứng điện tử

Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định: 

“Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”; “Thông điệp dữ liệu được dùng làm chứng cử theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng”;…

Điều này đồng nghĩa với việc thông điệp dữ liệu không thể bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ. 

Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử quy định:

“Thành phần hồ sơ được kỷ chữ ký số có giá trị pháp lý như văn bản giấy được ký hợp lệ”; “Bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”; “Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử được chuyển đổi từ văn bản giấy có giá trị như văn bản giấy trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”….

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cũng đã đưa ra nội dung quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử, theo đó:

“Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký bằng chữ ký số và có xác nhận của cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc”. 

Theo đó, thời điểm phát sinh hiệu lực của văn bản công chứng điện tử được xác định kể từ thời điểm được công chứng viên ký bằng chữ ký số và có xác nhận của cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc. 

Liên hệ Luật sư tư vấn:

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn;

2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

_Nguyễn Anh Phương_

Bài liên quan