Việt Nam đang nổi lên như một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào chính sách mở cửa và cải cách kinh tế mạnh mẽ. Với tiềm năng phát triển kinh tế lớn, lực lượng lao động trẻ và năng động, cùng với môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng đầu tư, các nhà đầu tư cần phải hiểu rõ các quy định pháp lý, thủ tục đăng ký và những điều kiện cần thiết.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về đầu tư nói riêng và cụ thể là Luật đầu tư 2020 không đưa ra trực tiếp loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà chỉ quy định khái quát tại Khoản 17 Điều 3: “ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.” Nhưng từ định nghĩa này, có thể hiểu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Điều kiện để thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam
Để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cần phải đáp ứng một số điều kiện được quy định trong Luật doanh nghiệp 2020 và Luật đầu tư 2020.
Về điều kiện chung: các tổ chức, cá nhân có quyền thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.
Về điều kiện riêng: Mỗi một loại hình công ty sẽ có những điều kiện riêng để có thể được thành lập cụ thể như sau
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Cá nhân, tổ chức người nước ngoài thành lập doanh nghiệp cần phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài cần xem xét đến các ngành nghề bị hạn chế bao gồm: Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
– Trước khi thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần (FPI) thì được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế, trừ các trường hợp sau:
– Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
– Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
– Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc hai trường hợp trên thì thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trình tự, thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư
Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư
- Bản sao CMND, CCCD hoặc hộ chiếu với nhà đầu tư cá nhân
- Bản sao giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương để xác nhận tư cách pháp lý với nhà đầu tư là tổ chức
- Đề xuất dự án đầu tư
- Bản sao báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc tài liệu tương đương khác
- Đề xuất nhu cầu sử dụng đất
- Giải trình về sử dụng công nghệ (nếu có)
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Nhà đầu tư sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và sau đó nộp hồ sơ giấy lên Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở sau khi nhận được thông báo chấp thuận. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các loại giấy tờ như sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên trong công ty (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên); Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (danh sách người đại diện theo ủy quyền nếu có cổ đông là tổ chức)
- Bản sao các giấy tờ thông tin cá nhân: CMND, CCCD hay hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện cá nhân theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Quyết định góp vốn và bổ nhiệm người quản lý; Danh sách người đại diện theo ủy quyền (đối với thành viên là tổ chức);
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư đã được cấp.
Bước 3: Công bố thông tin đăng ký kinh doanh
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải tiến hành thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và trả phí theo quy định trong thời hạn là 30 ngày kể từ ngày có giấy phép thành lập công ty.
Bước 4: Khắc dấu doanh nghiệp
Doanh nghiệp sẽ quyết định số lượng, hình thức con dấu, tự thực hiện hay ủy quyền cho các công ty Luật. Tuy nhiên, con dấu bắt buộc phải có chứa tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
Như vậy, việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh tiềm năng mà còn đi kèm với nhiều thách thức và yêu cầu pháp lý. Để thành công trong việc đầu tư, các nhà đầu tư cần nắm vững các quy định cũng như thủ tục cần thiết để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
————————————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vnCông ty Luật TNHH TLA
Địa chỉ: Tầng 7, số 6 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.com
Đinh Phương Thảo