Với sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã nhận thức được những ưu điểm vượt trội của chữ ký số và chữ ký điện tử. Đặc biệt, chữ ký số, chữ ký điện tử được áp dụng rộng rãi trong đời sống: ký kết hợp đồng, nộp thuế, kê khai bảo hiểm và thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
1. Chữ ký điện tử và chữ ký số là gì?
Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu. Hay nói cách khác, chữ ký điện tử” là thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản, hình ảnh, video…) xuất phát từ thực tế, chữ ký điện tử cũng cần đảm bảo các chức năng: xác định được người chủ của một dữ liệu nào đó: văn bản, ảnh, video, … dữ liệu đó có bị thay đổi hay không.
Còn với chữ ký số, về bản chất đây là một dạng chữ ký điện tử có độ an toàn cao và được sử dụng rộng rãi. Nó là một thông điệp dữ liệu đặc biệt, được tạo ra thông qua ba yếu tố chính: văn bản điện tử cần ký, khóa bí mật và phần mềm ký số. Chữ ký số sử dụng lý thuyết mật mã và thuật toán mã hóa bất đối xứng để tạo ra độ bảo mật vững chắc.
Để xác nhận chữ ký số thuộc về cơ quan hay cá nhân nào, việc chứng thực phải được thực hiện bởi một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực, tổ chức này phải được công nhận về mặt pháp lý và kỹ thuật.
Tóm lại, chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.
2. Phân loại và giá trị của chữ ký điện tử
(i) Phân loại chữ ký điện tử
Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023, chữ ký điện tử được phân loại dựa theo phạm vi sử dụng, theo đó gồm có 03 loại sau:
- Chữ ký số chuyên dùng công vụ: Là loại chữ ký số được người dùng sử dụng trong các hoạt động công vụ, loại chữ ký số này được đảm bảo bởi chứng thư chữ ký số chuyên dùng trong công vụ.
- Chữ ký điện tử chuyên dùng: Là loại chữ ký điện tử được tạo lập bởi cơ quan/tổ chức, được sử dụng chỉ riêng cho hoạt động của cơ quan/tổ chức đó, việc sử dụng phù hợp với các chức năng và nhiệm của của cơ quan, tổ chức.
- Chữ ký số công cộng: Là loại chữ ký số được dùng trong hoạt động công cộng và được đảm bảo bởi chứng thư chữ ký số công cộng.
(ii) Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử
Chữ ký điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng chữ ký điện tử.
– Chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân đó trong văn bản giấy.
– Trường hợp pháp luật quy định văn bản phải được cơ quan, tổ chức xác nhận thì yêu cầu đó được xem là đáp ứng đối với một thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức đó.
Điều kiện công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:
– Chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài hình thành dựa trên thông tin định danh đầy đủ đã được xác thực của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trình tự, thủ tục công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Thông tư 06/2024/TT-BTTTT.
3. Một vài quy định về chữ ký số
Chữ ký số là một loại chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, bao gồm khóa bí mật và khóa công khai. Trong đó, khóa bí mật được sử dụng để ký số, còn khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số đảm bảo tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ, nhưng không đảm bảo tính bí mật của thông điệp dữ liệu.
Chữ ký số đáp ứng các yêu cầu sau:
- Xác nhận chủ thể ký và thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu.
- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ liên kết duy nhất với nội dung thông điệp dữ liệu được chấp thuận.
- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc quyền kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký.
- Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau khi ký sẽ được phát hiện.
- Chữ ký số phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Nếu là chữ ký số chuyên dùng công vụ, phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; nếu là chữ ký số công cộng, phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
- Phương tiện tạo chữ ký số phải đảm bảo rằng dữ liệu tạo chữ ký không bị tiết lộ, thu thập hoặc sử dụng vào mục đích giả mạo chữ ký; đồng thời, dữ liệu này chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất và không làm thay đổi dữ liệu cần ký.
Dịch vụ chứng thực chữ ký số là dịch vụ do tổ chức cung cấp chứng thực chữ ký số thực hiện, nhằm xác thực chủ thể ký số trên thông điệp dữ liệu, bảo đảm tính chống chối bỏ của chủ thể ký và bảo đảm tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu đã ký.
So sánh chữ ký số và chữ ký điện tử
Tiêu chí/Nội dung | Chữ ký điện tử | Chữ ký số |
Về đặc điểm | Được biểu thị thông qua ký hiệu, hình ảnh, biểu tượng hay quy trình được đính kèm với tài liệu nhằm thể hiện sự đồng ý của người ký | Có thể được xem như một “dấu vân tay” điện tử. Nó được mã hóa và dùng để xác định danh tính người thực sự ký nó. |
Về các tiêu chuẩn | Không sử dụng mã hóa cũng như không dựa trên các tiêu chuẩn. | Danh tính người ký cần được xác minh thông qua mã PIN, thư điện tử,… |
Các tính năng | Được sử dụng để xác minh một tài liệu | Bảo mật một văn bản hay tài liệu |
Về cơ chế xác thực | Người ký sẽ được xác minh danh tính thông qua mã PIN, thư điện tử,… | Dựa trên chứng chỉ số, ID kỹ thuật số được sử dụng để xác thực danh tính |
Về mặt pháp lý | Có thể được xác minh bởi bất kỳ người nào và không có quá trình xác nhận cụ thể | Được nhà cung cấp dịch vụ uỷ thác hoặc bởi các cơ quan chứng nhận đáng tin cậy thực hiện |
Về yêu cầu phần mềm độc quyền | Bất cứ ai cũng có thể xác nhận, không yêu cầu sử dụng phần mềm xác minh độc quyền | Nếu chữ ký số không được ràng buộc về mặt phát lý, trong nhiều trường hợp sẽ được yêu cầu sử dụng thêm phần mềm độc quyền để xác nhận chữ ký số. |
Về chi phí | Chi phí khá tiết kiệm, thấp | Chi phí tương đối cao |
Về mức độ phức tạp | Có độ phức tạp khá cao | Sử dụng khá dễ dàng, tiện lợi |
Với bài viết trên, TLA đã cung cấp cho bạn những thông tin tổng quan về chữ ký và chữ ký số. Nếu bạn còn thắc mắc gì liên quan, hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH TLA để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
——————————————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
_Đoàn Huyền My_