Phân tích bản án khiếu kiện quyết định truy thu thuế (tiền ảo không phải là đối tượng chịu thuế GTGT và thuế TNCN) số 22/2017/HC-ST

Vấn đề thu thuế đối với các giao dịch liên quan đến tiền ảo vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong thực tiễn pháp lý. Bản án số 22/2017/HC-ST về khiếu kiện quyết định truy thu thuế đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý quan trọng, đặc biệt là việc xác định tiền ảo có phải là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hay không. Vụ án này không chỉ phản ánh khoảng trống pháp lý trong việc điều chỉnh các giao dịch tiền ảo mà còn làm rõ quan điểm của tòa án về tính hợp pháp của quyết định truy thu thuế đối với loại tài sản đặc thù này.

1. Thông tin các bên

Người khởi kiện:

Ông Nguyễn Việt C, sinh năm 1984; (có mặt) Địa chỉ: 02E khu phố E, phường P, thành phố B, tỉnh Bến Tre.

– Người bị kiện: Chi cục trưởng Chi cục T (địa chỉ: 51 đường E, phường D, thành phố B, tỉnh Bến Tre); Cục trưởng Cục T (địa chỉ: 615 đường H, phường K, thành phố B, tỉnh Bến Tre)

2. Tóm tắt vụ việc

Ông Nguyễn Việt C khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục T (sau đây gọi là Chi cục T và cục T) về việc truy thu thuế đối với hoạt động mua bán tiền ảo trên mạng Internet của ông.

Lập luận của các bên

Lập luận của ông Nguyễn Việt CLập luận của cơ quan thuế (Chi cục T và cục cục T)
1. Giai đoạn 2008-2013, ông tham gia giao dịch tiền ảo khi chưa có quy định pháp luật rõ ràng về loại hình này.1. Hoạt động của ông C được xác định là mua bán hàng hóa, thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định pháp luật.
2. Ông không thể đăng ký kinh doanh vì cơ quan đăng ký từ chối do chưa có ngành nghề tương ứng, từ đó dẫn đến không thể kê khai thuế.2. Việc xác định doanh thu và lợi nhuận dựa trên kết quả điều tra của Công an tỉnh Bến Tre.
3. Việc áp thuế thu nhập cá nhân và thuế GTGT là không hợp lý, số thuế bị truy thu cao hơn tổng lợi nhuận thu được.3. Cơ quan thuế áp dụng phương pháp khoán thuế theo doanh thu do không có đầy đủ hồ sơ kế toán từ ông C.
4. Tiền ảo không phải là hàng hóa theo quy định của Bộ Công thương và Chính phủ, nên không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.4. Quyết định truy thu thuế được ban hành đúng quy định của Luật Quản lý thuế và Luật Khiếu nại.
5. Việc ban hành quyết định truy thu thuế mà không có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đi kèm là không đúng quy định.5. Tiền ảo được xem là hàng hóa để tính thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tại phiên toà:

Quan điểm người bảo vệ quyền lợi ông CQuan điểm cơ quan thuế
1. Do chưa có quy định pháp luật rõ ràng về tiền ảo, ông C không thể đăng ký kinh doanh và kê khai thuế, lỗi thuộc về sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước.1. Việc áp thuế theo phương pháp khoán là đúng quy định vì ông C không thực hiện kê khai.
2. Việc áp thuế theo phương pháp khoán và tính thuế GTGT với tiền ảo là không phù hợp, vì chưa có quy định xác định tiền ảo là hàng hóa chịu thuế.2. Tiền ảo được xem là hàng hóa để tính thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Cơ quan thuế chỉ dựa vào số liệu của Công an mà không tự xác minh là không thuyết phục.3. Quyết định truy thu thuế và giải quyết khiếu nại được ban hành theo đúng quy định pháp luật.

3. Nhận định của Toà án

Tòa xác định:

  • Thời hiệu khởi kiện còn hiệu lực, thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND tỉnh Bến Tre.
  • Quyết định 714/QĐ-CCT được ban hành đúng trình tự, thẩm quyền nhưng nội dung không có cơ sở pháp lý, vì tiền kỹ thuật số chưa được quy định là hàng hóa hoặc dịch vụ chịu thuế.
  • Việc truy thu thuế dựa trên Công văn số 4356/BTC-TCT của Bộ Tài chính là vượt quá thẩm quyền, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông C.
  • Ý kiến của Kiểm sát viên không phù hợp do pháp luật chưa quy định rõ về tiền kỹ thuật số.

Từ đó, kết luận của Toà án như sau:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C, hủy bỏ hai quyết định trên. Chi cục trưởng Chi cục T và Cục trưởng Cục T phải chịu án phí hành chính sơ thẩm, hoàn trả án phí cho ông C.

4. Những vấn đề rút ra qua bản án

4.1. Ngành nghề pháp luật không có quy định thì có được phép kinh doanh?

Luật doanh nghiệp năm 2020 cho phép doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh đó trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh, đầu tư tiền ảo không nằm trong danh mục bị cấm đầu tư kinh doanh.

4.2. Tiền ảo được coi là gì?

Ở bản án trên, bên bị đơn xác định rằng tiền ảo là một loại hàng hoá được trao đổi, vì vậy phải đóng thuế, nhưng hiện vì không có quy định về tiền ảo, nên không thể kết luận tiền ảo có phải là một loại hàng hoá hay không.

  • Về phương diện là một loại tiền, khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
  • Về phương diện là phương tiện thanh toán, theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định thanh toán không dùng tiền mặt, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Từ đó, có thể đưa ra kết luận, nhà nước chưa công nhận giao dịch bằng tiền ảo trên mạng Internet nên khi có tranh chấp thì có thể xem đây là giao dịch vô hiệu. Việc sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật nhưng việc đầu tư tiền ảo thì không nằm trong danh mục cấm nên vẫn có thể cho phép, cũng phải chú ý rằng, ranh giới giữa việc đầu tư và giao dịch – thanh toán bằng tiền ảo thực chất rất mỏng manh, vì vậy còn phải tuỳ vào từng vụ việc để có thể đưa ra kết luận chính xác.

5. Kết luận

Vụ kiện của ông Nguyễn Việt C đã làm rõ khoảng trống pháp lý trong việc quản lý tiền ảo tại Việt Nam. Một trong những lý do khiến tòa án hủy bỏ các quyết định truy thu thuế vì chưa có quy định về tiền ảo, chưa được định nghĩa là hàng hóa hoặc dịch vụ chịu thuế. Từ vụ việc này, đòi hỏi nhà nước cũng như các ban ngành liên quan cần sớm xây dựng khung pháp lý rõ ràng về tiền ảo, bao gồm quy định về bản chất pháp lý, phạm vi sử dụng và nghĩa vụ thuế để bảo vệ quyền lợi của cả nhà nước và người dân.


Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

Nguyễn Hương Huyền

Bài liên quan