Những lưu ý về tín dụng đen hiện nay

Hiện nay, ngày càng có nhiều người dân rơi vào tình trạng bị lừa đảo bởi các tổ chức tín dụng đen, dẫn đến nợ nần chồng chất, thậm chí phá sản. Vậy tín dụng đen là gì và những cá nhân tham gia hoạt động tín dụng đen có bị xử lý theo quy định của pháp luật hay không? Hãy cùng TLA tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Tín dụng đen là gì?

Hiện nay, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cùng các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định cụ thể về tín dụng đen.

Tín dụng đen được hiểu là hình thức cho vay nặng lãi với mức lãi suất cao, thực hiện giữa các cá nhân mà không thông qua hệ thống ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép.

Dù mức lãi suất rất cao, nhiều người vẫn lựa chọn tín dụng đen do thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng, không cần chứng minh thu nhập hay đáp ứng điều kiện vay vốn phức tạp.

Ngày nay, việc vay tín dụng đen càng trở nên dễ dàng hơn khi chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại thông minh, tải các ứng dụng cho vay, và làm theo hướng dẫn để hoàn tất thủ tục. Số tiền vay sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng mà người vay đã cung cấp trên ứng dụng.

Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi này là mức lãi suất “cắt cổ”, có thể lên đến 300-400%/năm ở một số ứng dụng, khiến người vay nhanh chóng rơi vào tình trạng không thể chi trả, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

2. Những hậu quả khi vay tiền từ các tổ chức, cá nhân qua hình thức tín dụng đen

Với mức lãi suất cực cao, người vay dễ rơi vào tình trạng nợ lãi mẹ đẻ lãi con. Chỉ sau một thời gian ngắn, số tiền nợ có thể tăng gấp nhiều lần so với khoản vay ban đầu, khiến người vay không thể trả được nợ.

Bị đe dọa, quấy rối và khủng bố tinh thần:
Các tổ chức tín dụng đen thường sử dụng biện pháp đe dọa, quấy rối, hoặc thậm chí bạo lực để ép buộc người vay trả nợ. Điều này gây ra áp lực tâm lý nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cuộc sống của người vay cũng như gia đình họ.

Thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và danh dự:
Khi không thể trả nợ, người vay có nguy cơ mất tài sản thế chấp, bị xúc phạm trên mạng xã hội hoặc đối mặt với các hành vi đe dọa danh dự. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân và các mối quan hệ xã hội.

Ảnh hưởng kinh tế và xã hội:
Tín dụng đen không chỉ gây bất ổn tài chính cá nhân mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm gia tăng các vấn đề về tội phạm và bạo lực trong cộng đồng.

Tín dụng đen là hình thức cho vay nặng lãi trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu cá nhân vay qua app tín dụng đen và cố tình “bùng nợ” dù có khả năng chi trả, hành vi này cũng vi phạm pháp luật.

Trường hợp người vay ngay từ đầu đã có ý định không trả nợ, người vay vẫn có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định pháp luật. Trường hợp cá nhân vay tiền và cố tình bùng nợ mặc dù có khả năng chi trả thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nếu người vay ngay từ khi bắt đầu đã có ý định bùng nợ thì người này còn có khả năng bị truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) kể cả khi việc cho vay đang bất hợp pháp.

Nếu chưa có khả năng trả nợ, người vay có thể xin gia hạn hoặc khất nợ để tìm cách thanh toán. Trường hợp bị đe dọa hoặc dùng vũ lực ép buộc trả nợ, người vay nên báo ngay với cơ quan công an để được hỗ trợ.

3. Mức lãi suất theo quy định của pháp luật hiện nay là bao nhiêu?

Mức lãi suất cho vay hợp pháp trong giao dịch dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 , cụ thể như sau:

(1) Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

  • Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
  • Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

(2) Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ.

Ngoài ra Điều 100 Luật Các tổ chức tín dụng năm 20024 quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng như sau:

  • Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
  • Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.
  • Trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế xác định lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

4. Một số phương thức mới, tinh vi trong hoạt động “tín dụng đen” cần lưu ý

Ngoài các phương thức vay qua ứng dụng và website, các tổ chức tín dụng đen còn sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi khác để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản như:

  • Cho vay qua mạng xã hội: Các đối tượng thường xuyên quảng cáo cho vay tiền qua các nhóm, fanpage Facebook, Zalo, hoặc các tài khoản mạng xã hội cá nhân. Người vay dễ dàng bị lừa khi không nhận ra đây là hình thức tín dụng đen.
  • Tạo dựng các công ty “ma”:
    Một số tổ chức tín dụng đen lập các công ty giả mạo, mạo danh các công ty tài chính hợp pháp để thu hút người vay. Những công ty này không có giấy phép hoạt động và thu phí dịch vụ rất cao.
  • Lợi dụng tình trạng cần tiền gấp:
    Các đối tượng cho vay nhanh chóng, không cần thủ tục rườm rà, và không yêu cầu kiểm tra khả năng tài chính của người vay, dụ dỗ những người cần tiền gấp, chẳng hạn như để chi trả cho bệnh tật, học phí, hoặc trong các tình huống khẩn cấp.
  • Vay tiền qua “hợp đồng tín dụng” giả mạo:
    Một số đối tượng tạo ra các hợp đồng vay tiền giả mạo, trong đó có những điều khoản vô lý, như việc trả lãi suất cực kỳ cao hoặc tính phí dịch vụ một cách mập mờ, khiến người vay không thể nhận diện được những điều khoản bất lợi cho mình.
  • Thủ đoạn tăng lãi suất theo thời gian:
    Một khi người vay đã bắt đầu trả lãi, các tổ chức tín dụng đen thường thay đổi các điều khoản trong hợp đồng để tăng lãi suất hoặc trừ thêm phí, khiến số tiền phải trả tăng lên nhanh chóng.
  • Dùng thông tin cá nhân để đe dọa:
    Sau khi thu thập thông tin cá nhân và danh bạ điện thoại của người vay, các đối tượng tín dụng đen thường đe dọa hoặc quấy rối người vay, thậm chí liên lạc với bạn bè, người thân của họ để đẩy áp lực trả nợ.
  • Cho vay qua hình thức “chơi hụi”:
    Một số đối tượng sử dụng hình thức vay tiền dưới dạng chơi hụi, cam kết không có lãi suất trong thời gian ngắn nhưng thực tế lại tính các khoản chi phí khác hoặc yêu cầu trả lại gốc trước để tiếp tục thu lãi.

Để tránh rơi vào bẫy tín dụng đen, người dân cần nâng cao cảnh giác, không vay tiền từ các nguồn không rõ ràng, và luôn tìm đến các tổ chức tài chính hợp pháp, có giấy phép hoạt động.

————————————————————

Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, 
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; 
email: tmle@tlalaw.vn

Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464

– Đoàn Huyền My –

Bài liên quan