Xúc tiến đầu tư là yếu tố then chốt giúp quốc gia thu hút nguồn vốn, công nghệ và thị trường mới từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh. Đây là chiến lược quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư.
1. Xúc tiến đầu tư là gì? Vai trò của xúc tiến đầu tư
Trong Luật Đầu tư 2020 không nêu khái niệm “xúc tiến đầu tư” nhưng có thể hiểu xúc tiến đầu tư là hoạt động nhằm thu hút và khuyến khích các nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước vào một quốc gia, địa phương, hoặc lĩnh vực cụ thể. Mục tiêu của xúc tiến đầu tư là tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý, tạo ra các ưu đãi và xây dựng các chính sách để thúc đẩy việc đầu tư vào các dự án, từ đó góp phần phát triển kinh tế, tạo ra việc làm, và cải thiện hạ tầng.
Xúc tiến đầu tư thường được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế hoặc các tổ chức tư nhân chuyên trách. Đây là hoạt động có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển kinh tế:
Đối với nhà đầu tư nước ngoài:
- Xúc tiến đầu tư đóng vai trò cầu nối, giúp nhà đầu tư hiểu rõ các yếu tố như kinh tế, kỹ thuật, xã hội, pháp lý, và môi trường địa lý, từ đó đưa ra quyết định đầu tư chính xác.
- Cung cấp thông tin quan trọng về cơ hội đầu tư, chính sách ưu đãi, nguồn lực, tài nguyên chưa khai thác và lợi ích lâu dài.
- Giúp nhà đầu tư đánh giá đúng tiềm năng và ưu đãi của nước chủ nhà, tiết kiệm thời gian và chi phí khi lựa chọn nơi đầu tư hợp lý.
- Xúc tiến đầu tư giúp nhà đầu tư tiếp cận thủ tục đầu tư nhanh chóng và giảm bớt các khó khăn khi thực hiện dự án.
Đối với nước nhận đầu tư:
- Xúc tiến đầu tư xây dựng hình ảnh quốc gia giàu tiềm năng và cơ hội đầu tư hấp dẫn.
- Tăng cường tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài so với các quốc gia khác.
- Giúp tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu của nhà đầu tư và lựa chọn đối tác phù hợp.
- Xúc tiến đầu tư giúp nước chủ nhà xác định ngành, lĩnh vực mũi nhọn cần thu hút, tạo cơ hội hợp tác hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài.
2. Nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư
Căn cứ Điều 88 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư như sau:
- Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
- Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.
- Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.
- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư.
- Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư.
- Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư
3. Các phương thức xúc tiến đầu tư
Căn cứ Điều 89 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, phương thức xúc tiến đầu tư gồm các hoạt động sau:
(1) Hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện theo các phương thức sau đây:
– Thu thập thông tin, tổng hợp, nghiên cứu xây dựng các đề án, báo cáo, tài liệu; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng cổng, trang thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư;
– Tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; đoàn công tác xúc tiến đầu tư theo từng chuyên đề hoặc đối tác cụ thể;
– Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài;
– Tổ chức đối thoại giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư;
– Kết nối nhà đầu tư với cơ quan nhà nước, với các nhà đầu tư, với các tổ chức, cá nhân;
– Tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, chính sách, pháp luật về đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài;
– Cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư;
– Tổng hợp đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh.
(2) Hoạt động xúc tiến đầu tư có thể sử dụng một hoặc nhiều phương thức xúc tiến đầu tư tùy thuộc vào nội dung và yêu cầu của từng hoạt động.
4. Các cơ quan xúc tiến đầu tư
Theo Điều 91 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các cơ quan xúc tiến đầu tư được quy định như sau:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý hoạt động xúc tiến đầu tư trên phạm vi cả nước.
- Các bộ, ngành sẽ phân công đầu mối phụ trách hoạt động xúc tiến đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực theo chức năng và thẩm quyền của mình.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý công tác xúc tiến đầu tư tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể thành lập cơ quan hoặc bộ phận xúc tiến đầu tư trong cơ cấu tổ chức của mình tùy theo nhu cầu và điều kiện cụ thể. Ủy ban cần đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, biên chế và kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Nếu thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phải có sự thống nhất của Bộ Nội vụ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định.
- Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài: Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài trực thuộc và chịu sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam tại quốc gia đó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để quyết định số lượng nhân sự xúc tiến đầu tư tại các cơ quan đại diện, với điều kiện nếu có từ hai cán bộ trở lên thì sẽ thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư tại cơ quan đại diện. Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chỉ đạo toàn diện từ cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Với bài viết trên, TLA đã cung cấp cho bạn những thông tin tổng quan về hoạt động xúc tiến đầu tư. Nếu bạn còn thắc mắc gì liên quan, hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH TLA để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
——————————————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
ĐHMy