“Hợp đồng” là một trong những chế định quan trọng của pháp luật trên thế giới nói chung và pháp luật dân sự Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, không phải tất cả các hợp đồng giao kết đều có giá trị pháp lý và được thực hiện. Trên thực tế rất nhiều hợp đồng không đáp ứng các điều kiện của pháp luật và bị tuyên vô hiệu. Hợp đồng bị vô hiệu do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó hợp đồng được xác lập do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép tương đối phổ biến.
1. Sự tự nguyện khi giao kết hợp đồng
Tự nguyện trong tham gia hợp đồng là một trong những nội dung của sự tự do ý chí, là sự thống nhất giữa mong muốn bên trong với sự thể hiện mong muốn đó ra bên ngoài bằng một hình thức nhất định. Nói cụ thể hơn, tự nguyện là sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, trong đó nội dung là mong muốn đích thực của chủ thể và hình thức là cái biểu đạt mong muốn đích thực đó.
Qua đó, có thể hiểu rằng tự nguyện trong tham gia hợp đồng là việc chủ thể xác lập hợp đồng hoàn toàn theo mong muốn ý chí của mình; không bị đe doạ, bị lừa dối hay bị nhầm lẫn mà xác lập hợp đồng đó
2. Các trường hợp không có sự tự nguyện của chủ thể tham gia hợp đồng
Khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu”
Do đó, có thể căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch vô hiệu để xác định các trường hợp vô hiệu của hợp đồng. Lý do làm mất tính tự nguyện của người xác lập hợp đồng có thể do tác động từ phía ngoài (thông qua hành vi của người khác), có thể do yếu tố chủ quan của chính người xác lập hợp đồng (vì có sự nhầm lẫn mà giao kết hợp đồng). Vì vậy, hợp đồng bị coi là vô hiệu nếu được xác lập trong các trường hợp sau đây:
2.1. Hợp đồng được xác lập do có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập hợp đồng
Đối với giao dịch, hợp đồng xác lập do nhầm lẫn, Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được”.
Nhầm lẫn là sự hình dung sai về một vấn đề nào đó, nhầm lẫn trong xác lập hợp đồng là sự hình dung sai về chủ thể, đối tượng, tính chất của đối tượng thậm chí là hình dung sai về hậu quả của hợp đồng vào thời điểm xác lập hợp đồng. Nguyên nhân dẫn đến nhầm lẫn là do nhận thức chủ quan của chính người bị nhầm lẫn, hoàn toàn không có sự tác động từ bên ngoài hoặc không phải do không cod nhận thức để kiểm soát, làm chủ hành vi xác lập hợp đồng. Vì thế, nếu một người hình dung sai về một trong các vấn đề nói trên do sự lừa dối của người khác thì hợp đồng đó được coi là xác lập do sự lừa dối, nếu một người không kiểm soát được đầy đủ các yếu tố liên quan đến hợp đồng do mất khả năng nhận thức thì xác lập hợp đồng đó có thể bị vô hiệu do vi phạm điều kiện về năng lực chủ thể và đương nhiên hậu quả được áp dụng trong các trường hợp này hoàn toàn khác với hợp đồng bị xác lập do nhầm lẫn.
Tòa án chỉ có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu khi có yêu cầu của người bị nhầm lẫn. Chủ thể bị nhầm lẫn trong xác lập hợp đồng có thể chỉ là một bên nhưng nhiều trường hợp, cả hai bên đều nhầm lẫn trong xác lập hoặc giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, trong thực tế thì người yêu cầu toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thường là bên nhầm lẫn và bị thiệt hại do sự nhầm lẫn đó. Vì vậy, quy định ở khoản 2 Điều này nhằm loại trừ sự vô hiệu của hợp đồng nếu có nhầm lẫn nhưng các bên đã khắc phục được và đều đạt được mục đích của việc xác lập hợp đồng.
2.2. Hợp đồng được xác lập do một bên bị lừa dối
Tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa:
“Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.
Như vậy, hiểu theo nghĩa chung nhất thì lừa dối là hành vi cố ý của một người nhằm làm cho người khác hiểu sai lệch về một hoặc những vấn đề nhất định với mục đích nhằm đem lại cho mình một lợi ích, lợi thế nhất định và vì vậy, có thể hiểu lừa dối trong hợp đồng thông qua các yếu tố sau đây:
– Về chủ thể thực hiện: Người thực hiện hành vi lừa dối có thể là một trong hai bên của hợp đồng nhưng có thể là người bất kì, thông thường nếu người lừa dối là một bên trong hợp đồng thì mục đích của họ là nhằm đạt được lợi ích, lợi thế lớn hơn so với lợi thế đích thực và so với lợi ích vốn có từ hợp đồng.
– Về cách thức thực hiện: Chỉ hành vi cố ý làm cho người khác hiểu sai về một vấn đề nhất định mới bị coi là lừa dối. Hành vi lừa dối có thể thực hiện ở dạng hành động thông qua lời nói, cử chỉ hoặc văn bản; có thể ở dạng không hành động như không cung cấp thông tin cần thiết cho đối tác nhằm làm cho đối tác hiểu sai về một hoặc một số vấn đề liên quan đến hợp đồng mà giao kết hợp đồng đó. Ở dạng này thì người lừa dối chỉ có thể là các bên trong hợp đồng. Việc không cung cấp thông tin cần thiết chỉ bị coi là lừa dối nếu người đó đã biết thông tin đó nhưng cố tình không cung cấp để mang lợi cho mình.
– Về thời điểm thực hiện: Thời điểm thực hiện hành vi lừa dối phải xảy ra trước hoặc trong thời điểm xác lập hợp đồng bởi lừa dối mang mục đích là để người bị lừa dối xác lập hợp đồng theo hướng có lợi cho bên kia. Nếu hành vi lừa dối được thực hiện trong việc thực hiện hợp đồng thì đó là sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, vi phạm nguyên tắc trung thực trong thực hiện hợp đồng nên buộc phải thực hiện đúng với nội dung của hợp đồng và có thể bị phạt vi phạm hợp đồng nếu có thỏa thuận.
– Về hệ quả: Mục đích của người thực hiện hành vi lừa dối trong xác lập hợp đồng là nhằm để bên kia giao kết hợp đồng có lợi cho mình. Vì vậy, sự lừa dối phải đem đến hệ quả là bên bị lừa dối đã hiểu sai lệch về những vấn đề liên quan đến hợp đồng nên đã xác lập hợp đồng đó. Vì thế, có thể có hành vi lừa dối được thực hiện trong xác lập hợp đồng và sự lừa dối đó bị bên kia phát hiện nhưng hợp đồng vẫn được xác lập thì không được coi là xác lập do sự lừa dối.
2.3. Hợp đồng được xác lập do bị đe dọa, cưỡng ép
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã đồng nhất đe dọa với cưỡng ép:
“Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự khằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình” (Điều 127)
Đe dọa trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên với mục đích làm cho bên bị đe dọa lo sợ sẽ có thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình nếu không giao kết, thực hiện hợp đồng. Theo định nghĩa trên thì hành vi đe dọa được thực hiện ở giai đoạn trước khi hợp đồng được xác lập hoặc ngay thời điểm xác lập hợp đồng, cũng có thể hành vi đe dọa được thực hiện trong giai đoạn thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, nếu hợp đồng đã được xác lập một cách tự nguyện nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, một bên bị đe dọa buộc phải thực hiện hợp đồng trái với sự thỏa thuận tự nguyện trước đó thì sự đe dọa này không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng đã được giao kết. Nếu có tranh chấp thì tòa án sẽ buộc các bên thực hiện dung hợp đồng. Hành vi đe dpaj được thực hiện bởi một bên trong hợp đồng hoặc người thứ ba nhưng chỉ được coi là căn cứ để tuyên bố hợp đồng vô hiệu nếu có đủ các dấu hiệu: Một là, chủ thể bị đe dọa phải là người tham gia xác lập hợp đồng Hai là, khách thể bị đe dọa phải là tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người bị đe doạ hoặc thân thích của người đó. Ba là, hệ quả của sự đe doạ phải khiến người bị đe dọa buộc phải giao kết hợp đồng.
Cưỡng ép trong hợp đồng là hành vi cố ý làm cho người khác lâm vào tình trạng buộc phải giao kết, thực hiện hợp đồng bất lợi cho họ và có lợi cho bên kia. Cưỡng ép rất gần với hành vi đe dọa nên có cùng một hậu quả pháp lí nhưng cưỡng ép đôi khi không gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm mà chỉ là thực hiện các hành vi khác ép một người rơi vào tình thế buộc phải giao kết hợp đồng.
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
_Nguyễn Anh Phương_