Như một nhu cầu tất yếu, các tổ chức tài chính ngày nay đang tăng dần nắm bắt xu hướng ứng dụng công nghệ mới để tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm thời gian, giảm nhân sự và đảm bảo tính an toàn, bảo mật. Trong số đó, Hợp đồng thông minh (hay Smart Contract) nổi lên như một phát kiến đột phá, thu hút sự quan tâm không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn từ các chính phủ. Tuy nhiên, vì là một công nghệ mới, việc sử dụng Hợp đồng thông minh vẫn còn mới mẻ so với hợp đồng truyền thống, đồng thời kéo dài theo nhiều vấn đề về mặt pháp lý.
1. Hợp đồng thông minh là gì?
Thực tiễn hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một quy định cụ thể nào dành cho Hợp đồng thông minh. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã từng đề cập đến khái niệm Smart Contract thông qua một số đạo luật nhưng các định nghĩa này chỉ dừng lại ở khía cạnh pháp lý và còn chưa phân tích sâu theo lĩnh vực công nghệ.
Có thể hiểu một cách đầy đủ nhất rằng: “Hợp đồng thông minh là một giao thức giao dịch tự động được thiết kế dựa trên công nghệ blockchain – một nền tảng phân tán và phi tập trung. Công cụ này có khả năng thực hiện các điều khoản và thỏa thuận giữa các bên tham gia một cách tự động, mang lại nhiều lợi ích tương tự như hợp đồng truyền thống. Điểm đặc biệt của hợp đồng thông minh là các điều khoản được viết dưới ngôn ngữ lập trình, đảm bảo giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng thông thường.”
Câu hỏi quan trọng cần ưu tiên là liệu hợp đồng thông minh (HĐTM) nên được coi như một hợp đồng truyền thống hay chỉ là công cụ hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Có hai quan điểm chính: Quan điểm thứ nhất coi HĐTM là một hợp đồng có giá trị pháp lý như hợp đồng truyền thống, cần đáp ứng các yêu cầu về chủ thể, ý chí tự nguyện và mục đích giao dịch hợp pháp. Khi xác lập và ký kết, HĐTM có hiệu lực ngay và không thể thay đổi nhờ được mã hóa trên blockchain, giúp tránh lừa đảo và bảo vệ nội dung hợp đồng.
Quan điểm thứ hai cho rằng HĐTM chỉ nên là công cụ hỗ trợ giao dịch, không có hiệu lực pháp lý độc lập. Để HĐTM được công nhận pháp lý như một hợp đồng truyền thống, cần vượt qua các rào cản về sự khác biệt giữa quy định pháp luật hiện hành và cách thức hoạt động của HĐTM.
Tôi cho rằng, việc công nhận hợp đồng thông minh với tư cách là 1 hợp đồng truyền thống là cần thiết để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Nội dung của bài viết dưới đây sẽ tập trung khai thác và phân tích các quy định về hợp đồng thông minh dựa trên quan điểm này.
2. Giao kết hợp đồng thông minh
- Chủ thể
Giống như hợp đồng truyền thống, khi HĐTM được công nhận về mặt pháp lý, cũng cần phải đảm bảo các yêu cầu về chủ thể tham gia. Tuy nhiên, HĐTM có đặc thù riêng ở chỗ khó xác định độ tuổi và năng lực pháp lý của các chủ thể tham gia. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình ký kết và làm phức tạp việc kiểm soát, quản lý từ phía cơ quan Nhà nước, bởi theo quy định, các bên tham gia hợp đồng phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.
- Hình thức
Không thể coi hoàn toàn hợp đồng thông minh (HĐTM) như một hợp đồng điện tử, bởi lẽ cơ chế hoạt động của chúng có sự khác biệt. HĐTM vận hành trong môi trường phi tập trung và không chịu sự quản lý nào từ phía các cơ quan nhà nước. Vì vậy, cần cân nhắc một tên gọi khác phù hợp hơn cho hình thức hợp đồng này hoặc chờ cho đến khi công nghệ phát triển đủ để cho phép sự tham gia quản lý của Nhà nước. Khi đó, việc coi HĐTM như một loại hợp đồng điện tử sẽ trở nên khả thi hơn.
- Nội dung
Trong hợp đồng thông minh (HĐTM), các điều khoản không thể sửa đổi sau khi đã được mã hóa, điều này gây ra những khó khăn cho các bên, vì trên thực tế có thể phát sinh các tình huống không mong muốn. Giải pháp tạm thời là các bên phải dự đoán trước những tình huống có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng và mã hóa các tình huống đó vào dòng lệnh. Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn, vì HĐTM đã loại bỏ yếu tố thỏa thuận linh hoạt trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. Những điều khoản loại trừ trong trường hợp này chỉ có thể đảm bảo ở mức tương đối, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Trình tự giao kết và thực hiện HĐTM
Quá trình giao kết hợp đồng bao gồm đề nghị và chấp nhận giao kết đã đặt ra thách thức đối với hợp đồng thông minh (HĐTM) khi mọi thông tin đều được mã hóa trên blockchain. Câu hỏi là: làm thế nào để xác định sự đồng thuận của các bên khi họ đều là những tài khoản ẩn danh? Nếu thiếu yếu tố thỏa thuận trực tiếp, liệu HĐTM có nên được xem như hợp đồng thương lượng hay hợp đồng gia nhập?
Về khía cạnh thỏa thuận, HĐTM không có sự giao tiếp trực tiếp giữa các bên như hợp đồng truyền thống mà chỉ dựa vào mã hóa và các dòng lệnh phức tạp. Điều này đặt ra nghi vấn về việc bên chấp nhận đề nghị có thực sự hiểu rõ về nội dung hợp đồng hay không, do đó yếu tố đàm phán và trao đổi đã bị loại bỏ trong HĐTM. Khi so sánh với hợp đồng truyền thống, thỏa thuận trong HĐTM chỉ mang tính lý thuyết, bên còn lại có thể chỉ xem xét các điều khoản trước khi đồng ý. Về bản chất, ý chí của hai bên có thể được thể hiện nhưng không có sự tương tác thực sự để dẫn đến ràng buộc quyền và nghĩa vụ.
Sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và kinh tế đã làm thay đổi bản chất truyền thống của hợp đồng, thể hiện rõ qua sự xuất hiện của HĐTM. Trong bối cảnh đó, cần xây dựng khung pháp lý đặc thù cho HĐTM, vừa đảm bảo tính thỏa thuận vừa cân bằng lợi ích hợp pháp của các bên.
Về vấn đề hủy bỏ, HĐTM không cho phép chỉnh sửa hay bổ sung điều khoản. Nếu phát sinh tranh chấp hoặc lỗi không thể giải quyết trong quá trình giao kết, HĐTM cũng không thể bị hủy bỏ, điều này vô tình xung đột với quyền hủy bỏ hợp đồng mà các bên thường có trong hợp đồng truyền thống.
3. Kết luận
Hợp đồng thông minh (HĐTM) là một thành tựu nổi bật của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, với những tính năng vượt trội so với hợp đồng giấy và hợp đồng điện tử truyền thống. Đây là một hiện tượng mới, không chỉ phức tạp về kỹ thuật mà còn đặt ra nhiều thách thức pháp lý. Qua việc phân tích các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, như Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Giao dịch điện tử 2005, có thể thấy những hạn chế trong các quy định pháp luật về hợp đồng ở nước ta. Điều này đòi hỏi một ý thức rõ ràng về việc hoàn thiện pháp luật để giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến HĐTM. Mục tiêu của nghiên cứu là cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình ứng dụng hợp đồng thông minh, nhấn mạnh những vấn đề pháp lý cần điều chỉnh để phù hợp với loại hợp đồng này. Việc xây dựng một khung pháp lý vững chắc cho những xu hướng mới như hợp đồng thông minh sẽ giúp người dân và doanh nghiệp tự tin tham gia vào dòng chảy phát triển của thế giới.
————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
_Nguyễn Thu Phương_