Thực trạng hành vi xâm phạm quyền tác giả hiện nay vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số khi việc sao chép, phân phối và sử dụng các tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điển hình là hành vi: người dùng chia sẻ những tác phẩm bản quyền mà không có sự cho phép từ tác giả trên các nền tảng như Facebook, Instagram, Youtube, v.v. Nhiều trường hợp mà các tổ chức hoặc cá nhân sử dụng tác phẩm của người khác để kiếm lợi mà không trả tiền hoặc không có sự đồng ý của tác giả. Trong môi trường kỹ thuật số, việc xác định người vi phạm và thu thập bằng chứng có thể rất khó khăn, và việc kiện tụng cũng có thể gặp nhiều trở ngại pháp lý.
Bên cạnh đó cũng có nhiều công nghệ mới được phát triển để ngăn chặn việc sao chép trái phép và bảo vệ quyền tác giả, điều đó cần có sự hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, và các công ty công nghệ để thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật bản quyền và phát triển các biện pháp bảo vệ tác phẩm trực tuyến. Để nghiên cứu giải quyết vấn đề này, em đã lựa chọn đề tài Hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam.
1. Khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng. Trong đó, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây:
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Trong đó, đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Quyền đối với giống cây trồng là tổng hợp quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng do có việc chọn tạo, phát hiện, phát triển, sử dụng, chuyển giao cho người khác, và quyền được hảo hộ khi quyền đó của chủ thể bị xâm phạm.
2. Khái niệm hành vi xâm phạm quyền tác giả
Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành không có khái niệm chung về các hành vi xâm phạm quyền tác giả mà các hành vi này được liệt kê chi tiết theo quy định tại Điều 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP về việc xác định yếu tố xâm phạm bản quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
– Xâm phạm quyền đặt tên cho tác phẩm
– Xâm phạm quyền đứng tên, nêu tên trên tác phẩm
– Xâm phạm quyền công bố tác phẩm
– Xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả
– Xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh
– Xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng
– Xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
– Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng
– Xâm phạm quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng
– Xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính
– ……
3. Chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả
Nghị định 131/2013/NĐ-CP có đoạn quy định về mức phạt đối với một số vi phạm quyền tác giả như sau:
“Hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng phạt từ 02 – 03 triệu đồng.
Hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả phạt từ 03 – 05 triệu đồng.
Hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu, làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu, biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu phạt từ 05 – 10 triệu đồng.
Hành vi Biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định phạt từ 10 – 15 triệu đồng.
Hành vi Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định phạt từ 15 – 30 triệu đồng.
Hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả phạt từ 15 – 35 triệu đồng”.
Nghị định này được ban hành kịp thời, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội; góp phần cụ thể hóa, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động văn hóa nói chung, góp phần tích cực trong việc đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính trong tình hình mới; đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, giúp cho các cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn về những hành vi vi phạm hành chính, từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Thực trạng tình hình xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam
Hiện nay tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả xảy ra khá phổ biến, rộng khắp các lĩnh vực: âm nhạc, báo chí, phim ảnh, trên các trang mạng xã hội… Đi kèm với những tiện ích từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và internet là những hướng đi xấu cho nạn xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Việt nam hiện tại đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tuy nhiên trên thực tế tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong mội trường internet tại Việt nam vẫn còn xuất hiện tràn lan. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả khá đa dạng với tất cả các loại hình tác phẩm như tác phẩm văn học, khoa học hay các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, âm nhạc… và ngày càng tinh vi hơn do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị định 13 được tổ chức đầu năm 2023, đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, từ năm 2014 đến năm 2022 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 534 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức và 3 cá nhân với số tiền xử phạt gần 12,9 tỷ đồng với các vi phạm chủ yếu quyền phân phối tác phẩm, Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, Hành vi xâm phạm quyền đứng tên tác phẩm. Trên phạm vi cả nước có tới 80% các hành vi vi phạm bản quyền đang diễn ra trên nền tảng số, gây thiệt hại 348 triệu USD vào năm 2022, tương đương với 7.000 tỷ đồng. Nước ta lọt vào top 3 khu vực về vi phạm bản quyền với con số 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào các web lậu. Bên cạnh đó tại TP Hồ Chí Minh, số lượng vụ việc bị xử lý vi phạm hành chính theo hành vi sử dụng bản ghi âm ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chiếm 98,4% tổng số vụ việc bị xử lý, trong đó xử phạt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính viễn thông… là 28,3%.
Những số liệu trên cũng chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ tình hình xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam. Trên thực tế việc sao chép, đăng tải lại các bài báo trên mạng internet, sử dụng lại concept, hình ảnh của người khác hay dùng lại bản nhạc của người khác còn rất phổ biến ở Việt Nam.
Thực chất hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng tại Việt Nam đã có những quy định khá chặt chẽ và rõ ràng, đáp ứng đủ những tiêu chuẩn cam kết của các công ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng mà Việt Nam tham gia kí kết:
Các điều ước đa phương:
Công ước Berne bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật: có hiệu lực tại Việt Nam từ 26/10/2004
Công góc Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ: Có hiệu lực tại Việt Nam từ 06/7/2005
Công ước Brussel liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh: Có hiệu lực tại Việt Nam từ 12/1/2006
Công ước Rome bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng: Có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 3 năm 2007
Từ trước đến nay hầu hết các chủ thể khi tiếp cận pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan là các cơ quan thực thi pháp luật, các doanh nghiệp khác thác nhằm mục đích thương mại, hay kể cả các tổ chức phục vụ công tác học thuật, nghiên cứu.
Mỗi khi đề cập đến nhu cầu sao chép, lưu giữ trích dẫn người sử dụng chỉ nghĩ rằng pháp luật chỉ bảo hộ cho người sáng tạo nội dung hay trường hợp tự ý xâm phạm đến tài sản trí tuệ của người khác thì sẽ phải chịu các chế tài xử phạt. Trên thực tế họ không mấy để tâm đến quyền lợi khi khai thác, do bỏ qua các quy định về một số trường hợp ngoại lệ như không cần phải xin phép, không cần phải trả phí bản quyền, tiền nhuận bút, thù lao.
Tóm lại việc thực thi pháp luật vẫn cần nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức và nhận thức cho người sử dụng, thụ hưởng để họ nhận thức được tính nhân văn trong pháp luật về quyền tác giả đối với tác phẩm là pháp luật trao cho tác giả quyền độc quyền nhưng cũng trao cho người khai thác sử dụng những ngoại lệ nhằm điều hòa lợi ích giữa người thụ hưởng và bảo vệ quyền lợi cho người sáng tạo tác phẩm. Qua đó để người khai thác vừa được hưởng lợi ích từ tác phẩm vừa có trách nhiệm, tôn trọng quyền kinh tế đối với tác giả.
————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
_Nguyễn Thu Phương_