Tranh chấp thương mại là một phần tất yếu của kinh tế hiện nay, xuất phát từ tính chất thường xuyên và những tác động đến các bên liên quan. Tại Việt Nam, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến.
1. Khái niệm hòa giải thương mại và cơ sở pháp lý
Khái niệm
Về bản chất, hòa giải thương mại (Conciliation, Reconciliation, Mediation) là một quá trình mà các bên tranh chấp cùng đàm phán để tìm kiếm giải pháp với sự hỗ trợ từ một bên thứ ba. Chủ thể này được gọi là Hòa giải viên. Phương thức này có nhiều điểm tương đồng với thương lượng nhưng khác biệt quan trọng nằm ở vai trò của bên thứ ba.
Trong thương lượng, các bên tự giải quyết mà không có sự hỗ trợ của bên thứ ba, trong khi ở hòa giải thì Hòa giải viên đóng vai trò điều tiết quá trình đàm phán.
Không giống như trọng tài, Hòa giải viên không có thẩm quyền xét xử hay đưa ra phán quyết cuối cùng mà chỉ hỗ trợ các bên thực hiện quy trình hòa giải theo trình tự cụ thể để đảm bảo quá trình diễn ra hiệu quả và đúng hướng.
Cơ sở pháp lý
Pháp luật về hòa giải tại Việt Nam được hình thành và gồm các nguồn chính sau đây:
- Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án;
- Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại;
- Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 64/2014/QH13.
Pháp luật quốc tế và của nhiều quốc gia chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về hòa giải thương mại, chỉ dừng ở mức khái quát. Luật Mẫu UNCITRAL là tiêu chuẩn chung giúp các quốc gia thống nhất trong giải quyết tranh chấp; pháp điển hóa các nguyên tắc quốc tế được công nhận về giải quyết tranh chấp ôn hòa.
Luật mẫu này nhằm hài hòa hóa pháp luật toàn cầu về hòa giải, thúc đẩy quyền tự do tự nguyện thỏa thuận của các bên, đảm bảo tính chung thẩm của kết quả hòa giải và giảm thiểu sự can thiệp của Tòa án. Mặc dù không phải là văn bản pháp luật, Luật mẫu được coi như một hình mẫu hữu ích cho các quốc gia muốn xây dựng khung pháp lý về hòa giải và thương lượng.
2. Nguyên tắc và phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến hòa giải thương mại. Nghị định quy định phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại bao gồm: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Phạm vi thẩm quyền của hòa giải thương mại không chỉ bao gồm các tranh chấp thương mại, mà còn mở rộng ra các tranh chấp khác khi pháp luật chuyên ngành có quy định về việc sử dụng phương thức hòa giải thương mại.
Về nguyên tắc, Điều 4, Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại gồm có:
(i) Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ
(ii) Những thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác
(iii) Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
Bên cạnh đó, tính bảo mật là nguyên tắc quan trọng trong hòa giải (Khoản 2 Điều 4, Điểm c Khoản 2 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Quy trình này đảm bảo thông tin và tuyên bố trong hòa giải không được sử dụng làm chứng cứ trong các tố tụng sau này. Song, vi phạm bảo mật không dẫn đến hủy thỏa thuận hòa giải mà chỉ cho phép yêu cầu bồi thường thiệt hại do tiết lộ thông tin trái phép.
3. Một vài nét chính về quy trình hòa giải
Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại quy định chi tiết các nguyên tắc, trình tự thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, cũng như việc thành lập và hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại. Nghị định này nhằm thiết lập một khung pháp lý toàn diện cho phương thức hòa giải.
Trong khi Luật Mẫu UNCITRAL tập trung vào các vấn đề thủ tục hòa giải như khởi đầu, phương thức tiến hành, lựa chọn hòa giải viên và trách nhiệm của hòa giải viên thì Nghị định 22/2017/NĐ-CP cần được điều chỉnh và bổ sung để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện tại và tương lai.
Theo pháp luật Việt Nam, quy trình hòa giải thương mại tương tự như Luật Mẫu, trong đó hòa giải viên sẽ được các bên thỏa thuận từ danh sách của tổ chức hòa giải hoặc danh sách do Sở Tư pháp công bố. Nguyên tắc này giúp các bên kiểm soát và tin tưởng vào quá trình hòa giải. Các bên có quyền chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hoặc tự thỏa thuận về trình tự, thủ tục.
Nếu không có thỏa thuận, hòa giải viên sẽ tiến hành theo quy trình mà họ cho là phù hợp, với sự chấp thuận của các bên. Hòa giải viên chỉ đưa ra đề xuất về trình tự và phải xem xét nguyện vọng của các bên, đảm bảo tính hiệu quả và quyền tự quyết trong hòa giải.
Một đặc điểm quan trọng của hòa giải thương mại là tính bảo mật. Luật Mẫu quy định mọi thông tin liên quan đến quá trình hòa giải phải được giữ bí mật, chỉ có thể tiết lộ nếu các bên đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật, hoặc nếu cần thiết cho việc thi hành thỏa thuận đạt được. Theo hướng dẫn của Luật Mẫu, thông tin bảo mật không chỉ bao gồm những điều tiết lộ trong quá trình hòa giải mà còn cả nội dung và kết quả của các thủ tục hòa giải.
Điều 11 của Luật Mẫu quy định cụ thể về bảo mật thông tin, yêu cầu giữ bí mật ngay cả khi hòa giải không thành công. Bảo mật thông tin trở thành nghĩa vụ của hòa giải viên, giúp quá trình hòa giải diễn ra cởi mở hơn và dễ dàng đạt được kết quả thành công.
Hòa giải viên cần có khả năng quản lý thông tin và đàm phán giữa các bên, đóng vai trò là tác nhân xúc tác giúp các bên tiếp cận gần nhau thông qua các phương pháp gợi mở, tạo ra không gian cho các cuộc đối thoại xây dựng, thoát khỏi những ngõ cụt trong thương lượng.
4. Ưu và nhược điểm của phương pháp hòa giải thương mại
STT | Ưu điểm | Nhược điểm |
1 | Tiết kiệm chi phí so với kiện tụng | Không đảm bảo kết quả thành công |
2 | Tiết kiệm thời gian giải quyết tranh chấp | Có thể mất thời gian trong quá trình hòa giải. Một bên có thể dừng hòa giải để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác, dẫn đến không thể giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải và tốn nhiều thời gian và chi phí hơn. |
3 | Bảo mật thông tin giữa các bên. Tương tự như trọng tài, vụ việc hòa giải cũng được giải quyết không công khai để đảm bảo thông tin của các bên trong quan hệ kinh doanh, thương mại. Xét về cấp độ bảo mật, hòa giải thương mại có quy trình bảo mật cao hơn so với trọng tài thương mại. | Không có quyền lực cưỡng chế thi hành thỏa thuận. Ngoài ra, hình thức gải quyết khép kín, không công khai có thể nảy sinh những nguy cơ hoặc trái pháp luật. |
4 | Giúp duy trì mối quan hệ giữa các bên. Thái độ hợp tác giữa các bên, sự thân thiện và linh hoạt trong quy trình hòa giải sẽ quyết định mức độ thành công của một vụ việc hòa giải thương mại. | Phụ thuộc vào sự hợp tác của các bên |
5 | Linh hoạt trong quy trình hòa giải. Thủ tục hòa giải có tính linh hoạt, không cứng nhắc như các thủ tục giải quyết tranh chấp mà các bên giải quyết tranh chấp đưa ra phán quyết như ở trọng tài và tòa án. Bên cạnh đó, do hòa giải thương mại không phải một quy trình tranh tụng có tính xét xử, nên mô hình này đáp ứng được nhu cầu về việc giải quyết tranh chấp một cách thân thiện. | Có thể không phù hợp với các tranh chấp phức tạp |
6 | Khuyến khích các bên tìm kiếm giải pháp thực tiễn | Không thể thay thế hoàn toàn cho các biện pháp pháp lý khác. khả năng Tòa án có thể không công nhận thỏa thuận hòa giải thành. Trường hợp hòa giải thành (một phần hoặc toàn bộ các tranh chấp đã phát sinh), các bên tự nguyện thi hành thỏa thuận đó theo quy định pháp luật dân sự (Khoản 1 Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Bên cạnh đó, các bên cũng có thể thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định pháp luật tố tụng dân sự (Điều 16 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). |
Với bài viết trên, TLA đã cung cấp cho bạn những thông tin tổng quan về phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại. Nếu bạn còn thắc mắc gì liên quan, hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH TLA để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
——————————————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
ĐHMy