Bị lừa chuyển tiền qua mạng phải làm thế nào?

Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng bằng hình thức chuyển tiền ngày một phổ biến và phức tạp. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế và xử lý

Vừa qua vào ngày 10/10/2024, Cục An toàn thông tin xây dựng thuộc Bộ TT&TT ban hành Cẩm nang kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến (sau đây gọi tắt là Cẩm nang). Sau đây, TLA sẽ gửi tới Quý độc giả một số nội dung chính của Cẩm nang này.

Trong Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, cơ quan chức năng đã chỉ ra dấu hiệu nhận biết cụ thể và cách phòng tránh từng hình thức lừa đảo trực tuyến.

Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng…

Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Cẩm nang cũng hướng dẫn về cách xử lý nếu đã bị lừa đảo trực tuyến; đồng thời cung cấp các địa chỉ, đầu mối liên hệ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về an ninh mạng, an toàn thông tin.

Các hình thức lừa đảo được nêu trong Cẩm nang

Để giúp Quý độc giả nắm được những thông tin cơ bản về các hình thức được nêu trong Cẩm nang, TLA đã tổng hợp những hình thức thường gặp và phân loại trong bảng sau:

STT Hình thức lừa đảoPhân loại
1Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”Lừa đảo qua hình thức khuyến mãi
2Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, DeepvoiceGiả mạo thông tin cá nhân
3Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê baoLừa đảo qua SIM và điện thoại
4Giả mạo biên lai chuyển tiền thành côngGiả mạo giao dịch tài chính
5Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân cấp cứuGiả mạo người quen/đơn vị uy tín
6Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhíTuyển dụng giả
7Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàngGiả danh tổ chức tài chính
8Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đenPhát tán phần mềm độc hại
9Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệpGiả mạo tổ chức
10Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạoGiả mạo SMS và thông tin
11Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấpLừa đảo đầu tư
12Lừa đảo tuyển CTV onlineTuyển dụng giả
13
Đánh cắp tài khoản MXH, nhắn tin lừa đảo

Giả mạo tài khoản mạng xã hội
14Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa ánGiả danh cơ quan pháp luật
15Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tửBán hàng giả, hàng nhái
16Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụngĐánh cắp thông tin cá nhân
17Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàngLừa đảo giao dịch tài chính
18Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừaLừa đảo khắc phục thiệt hại
19Lừa đảo lấy cắp Telegram OTPĐánh cắp mã xác thực
20Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAITin đồn thất thiệt
21Lừa đảo dịch vụ lấy lại FacebookLừa đảo khắc phục tài khoản bị mất
22Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiệnLừa đảo qua mối quan hệ giả
23Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên FacebookPhát tán link phishing
24Lừa đảo cho số đánh đềLừa đảo bằng đánh bạc

Cách xử lý khi bị lừa chuyển tiền qua mạng

Theo Cẩm nang thì không ít trường hợp nạn nhân nhẹ dạ cả tin, làm theo lời dẫn dụ của đối tượng lừa đảo và tự chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng này. Trong trường hợp gặp phải tình huống tương tự, nạn nhân cần phải:

  • Dừng chuyển tiền: Tuyệt đối không được tiếp tục làm theo lời dẫn dụ của đối tượng lừa đảo
  • Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng: Hãy báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch ngay lập tức.
  • Sao lưu lịch sử giao tiếp, giao dịch: Nhanh chóng lưu lại các đoạn hội thoại với đối tượng lừa đảo, lịch sử giao dịch chuyển khoản nhằm phục vụ cho quá trình điều tra và truy vết đối tượng.
  • Trình báo: Trình báo vụ việc lừa đảo trực tuyến với các cơ quan chức năng như lực lượng công an địa phương.
  • Cảnh báo cho gia đình và bạn bè: Về trường hợp lừa đảo này để họ có thể đề phòng những chiêu trò tiếp theo có thể xảy ra.

Một số kỹ năng phòng tránh lừa đảo trực tuyến

Theo Cẩm nang, một số kỹ năng phòng tránh lừa đảo trực tuyến từ cơ bản đến nâng cao gồm:

  • Kiểm tra nguồn gốc thông tin

Xác định xem thông tin đến từ nguồn đáng tin cậy hay không. Kiểm tra tên miền và đường dẫn URL của trang web. Hãy chú ý đến các tên miền khác thường, có lỗi chính tả hoặc không có các chứng chỉ tín nhiệm mạng.

  • Cảnh giác với người lạ kết bạn qua mạng xã hội

Cảnh giác với người lạ kết bạn qua mạng xã hội, qua Zalo, Telegram… Khi có dấu hiệu khả nghi ngay lập tức không kết bạn và không trả lời. Ngoài ra ẩn đi danh sách bạn bè của mình trên các tài khoản mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo biết đến các mối quan hệ xung quanh của mình.

  • Cảnh giác với email và tin nhắn lạ

Các email hoặc tin nhắn lừa đảo thường giả mạo các tổ chức uy tín (như ngân hàng, đơn vị nhà nước hoặc công ty công nghệ). Kiểm tra kỹ địa chỉ email người gửi, so sánh đối chiếu với địa chỉ email được ghi trên các cổng thông tin chính thống. Thông thường, các địa chỉ Email giả mạo sẽ bao gồm các ký tự thừa, tên miền không chính xác.

  • Cẩn thận với các yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài chính:

Không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài chính qua email hoặc tin nhắn cho các đối tượng lạ. Ngoài các đơn vị ngân hàng, các tổ chức hoặc doanh nghiệp uy tín sẽ không yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân.

  • Cảnh giác với những yêu cầu đặt cọc hoặc chuyển khoản:

Tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong mọi trường hợp. Đối với các giao dịch trực tiếp, người dân được khuyến cáo nên thực hiện trực tiếp hoặc thông qua cá nhân hoặc tổ chức trung gian uy tín.

  • Tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến:

Các loại hình lừa đảo qua mạng như lừa đảo qua email, tin nhắn, mạo danh và lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được phổ biến rất nhiều trên mạng. Hiểu biết về các phương thức này sẽ giúp dễ dàng nhận diện và phòng tránh hậu quả không đáng có. Theo dõi và cập nhật tại kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (Facebook/-TikTok) hoặc website Khonggianmang.vn

  • Các kỹ năng phòng tránh lừa đảo trực tuyến nâng cao

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức, người dùng cũng cần những kỹ năng nâng cao giúp phòng tránh lừa đảo trực tuyến một cách hiệu quả nhất, bao gồm:

  • Bảo vệ thông tin cá nhân:

Tránh chia sẻ quá nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Ẩn hết các thông tin cá nhân như địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số điện thoại…). Khi đăng gì lên mạng xã hội nên cân nhắc kỹ và nên chia sẻ ở chế độ bạn bè.

  • Sử dụng mật khẩu dài và phức tạp:

Đảm bảo mỗi tài khoản trực tuyến sở hữu mật khẩu mạnh, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Tránh sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản

  • Thiết lập xác thực đa yếu tố (2FA):

Kích hoạt xác thực đa yếu tố đối với các tài khoản trực tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung một lớp xác thực (thông qua tin nhắn, email hoặc cuộc gọi) ngoài mật khẩu nhằm gia tăng mức độ bảo mật cho tài khoản.

  • Cập nhật phần mềm bảo mật:

Cài đặt và thường xuyên cập nhật các phần mềm diệt virus, tường lửa, và các công cụ bảo mật khác để bảo vệ thiết bị khỏi các phần mềm có chứa mã độc và các mối đe dọa khác.

  • Kiểm tra và giám sát tài khoản tài chính:

Theo dõi kỹ các giao dịch trên tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng để phát hiện bất kỳ giao dịch nào không hợp lệ.

  • Sao lưu dữ liệu định kỳ:

Sao lưu dữ liệu quan trọng thường xuyên để tránh mất dữ liệu trong trường hợp bị tấn công hoặc bị lừa đảo.

Với bài viết trên, TLA đã cung cấp cho bạn những thông tin tổng quan Cẩm nang kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Nếu bạn còn thắc mắc gì liên quan, hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH TLA để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

———————————————–

Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,…

Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 6 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: https://tlalaw.vn/

Hotline: 0906246464

Đ.HMy

Bài liên quan