Grab là một nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn, và các dịch vụ tài chính, được thành lập tại Singapore và hiện đang hoạt động mạnh mẽ tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vụ kiện nổi tiếng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Grab Taxi Việt Nam đã đặt ra một câu hỏi pháp lý đáng lưu tâm: Grab hoạt động như một nền tảng công nghệ hay thực chất là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải? Việc xác định bản chất pháp lý của Grab không chỉ quyết định kết quả vụ kiện, mà còn ảnh hưởng đến cách thức quản lý các mô hình kinh doanh tương tự tại Việt Nam trong tương lai.
Bản án số 05/2020/KDTM-PT ngày 10/3/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ khép lại tranh chấp “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” kéo dài nhiều năm giữa hai công ty lớn, mà còn đưa ra một câu trả lời rất đáng tham khảo, liên quan tới vấn đề này.

- Nội dung vụ án và lập luận các bên liên quan đến bản chất của Grab
Tháng 6 năm 2017, Vinasun khởi kiện Grab ra Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 40 tỷ đồng vì cho rằng Grab đã hoạt động như một doanh nghiệp taxi nhưng không tuân thủ các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải, lợi dụng Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (gọi tắt là Đề án 24), gây ra sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng cho Vinasun.
Phía Grab phản bác rằng họ chỉ là một nền tảng công nghệ, kết nối hành khách với lái xe thông qua ứng dụng di động, không sở hữu xe cũng như không quản lý trực tiếp tài xế. Do đó, họ không phải là “doanh nghiệp vận tải” theo quy định pháp luật hiện hành. Theo Grab, bản chất hoạt động của họ là cung cấp dịch vụ trung gian thương mại điện tử, nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật về công nghệ thông tin và thương mại điện tử, không phải Luật Giao thông đường bộ hay các quy định về vận tải hành khách.
Bản án sơ thẩm vào năm 2018 đã tuyên Grab có hành vi kinh doanh vận tải bằng taxi nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các quy định khác liên quan, song chỉ chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường gần 5 tỷ đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án đã bị kháng nghị và kháng cáo toàn bộ.
2. Quan điểm của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tại Bản án phúc thẩm liên quan tới việc xác định bản chất của Grab
– Theo Đề án 24, Grab chỉ được cung cấp ứng dụng để kết nối các hợp tác xã vận tải với khách hàng. Theo đó, Grab đã ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Grab cho rằng dịch vụ GrabTaxi không can thiệp vào giá cước, cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị Taxi. Do đó, chỉ phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh thương mại và thương mại điện tử.
– Tuy nhiên trên thực tế, Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng xe taxi, với những hoạt động như: lưu trữ, quản lý hồ sơ thông tin của tài xế; điều động xe, quyết định hành trình của xe; quyết định giá cước khi kết thúc hành trình; trực tiếp nhận tiền từ khách hàng; triển khai các chương trình khuyến mại; trừ thu nhập của tài xế, quyết định thưởng, phạt… Như vậy, Grab đã sử dụng phần mềm khiến cho đối tác sử dụng phải phụ thuộc vào sự quản lý của mình (tự ý quyết định giá cước một cuốc xe và ăn chia lợi nhuận theo một tỉ lệ nhất định với tài xế…).
– Như vậy Grab phải tuân thủ, nhưng đã không tuân thủ các quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT (không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô; không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…), không phải đóng thuế, điều kiện kinh doanh như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác, không bị kê khai giá,…
– Nếu thực hiện đúng các quy định trên, Grab sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn (mất đi lợi thế chi phí), mang tính bước ngoặt, thay đổi cuộc chơi trên thương trường. Do đó vi phạm của Grab không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại của Vinasun, thậm chí có thể tạo ra những hệ luỵ khó lường cho nền kinh tế xã hội Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống nói riêng.
3. Đánh giá
Lập luận của Tòa án trong vụ Vinasun kiện Grab đáng chú ý ở chỗ đã nhìn nhận bản chất hoạt động thực tế của Grab vượt ra khỏi vai trò cung cấp phần mềm, để xác định đây là hoạt động kinh doanh vận tải có điều kiện. Tòa án dựa vào các yếu tố cụ thể như việc Grab kiểm soát giá cước, điều phối tài xế, trực tiếp thu tiền, triển khai khuyến mại… để cho thấy Grab thực chất đã can thiệp sâu vào toàn bộ quá trình cung ứng dịch vụ vận tải. Tòa án không xét Grab theo danh nghĩa mà theo thực tế kiểm soát vận hành, từ đó khẳng định trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải – điều giúp bảo vệ sự công bằng trên thị trường và ngăn ngừa hành vi “lách luật” thông qua danh nghĩa công nghệ.
Từ lập luận của Tòa án trong vụ Vinasun kiện Grab, có một số lưu ý quan trọng đối với doanh nghiệp và người dân như sau:
– Đối với doanh nghiệp: Không nên chỉ dựa vào hình thức hay danh nghĩa pháp lý để định vị hoạt động kinh doanh của mình (ví dụ: “công ty công nghệ”), mà cần đánh giá đầy đủ cả bản chất thực tế của hoạt động. Nếu doanh nghiệp trực tiếp kiểm soát quá trình cung ứng dịch vụ (như định giá, điều phối, quản lý nhân sự…), thì có thể bị coi là đang hoạt động trong lĩnh vực chịu điều kiện pháp lý tương ứng – và sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ liên quan (giấy phép, bảo hiểm, thuế…).
– Đối với người dân (đặc biệt là người lao động như tài xế): Cần hiểu rõ quan hệ pháp lý giữa mình và nền tảng trung gian. Nếu bị kiểm soát quá mức như nhân viên nhưng lại không có quyền lợi tương ứng (bảo hiểm, hợp đồng lao động…), thì có thể đối mặt với rủi ro pháp lý và thiệt thòi về quyền lợi.
———————-
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
TTT