Bổ sung đối tượng kiểm toán bắt buộc – Doanh nghiệp có quy mô lớn

Kiểm toán báo cáo tài chính là một công cụ quan trọng nhằm đảm bảo tính trung thực, hợp lý của các thông tin tài chính do doanh nghiệp lập. Tại Việt Nam, các trường hợp phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính bắt buộc được quy định tại Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011 (sau đây gọi tắt là Luật Kiểm toán độc lập) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cụ thể, khoản 1 Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập năm (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2012/NĐ-CP) quy định các đối tượng phải thực hiện kiểm toán bắt buộc bao gồm:

Điều 37. Đơn vị được kiểm toán

1. Doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật quy định báo cáo tài chính hàng năm phải được doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán, bao gồm:

a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

b) Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng;

c) Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

d) Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán;

đ) Doanh nghiệp khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của Chính phủ.

1. Quy định mới về doanh nghiệp có quy mô lớn phải kiểm toán bắt buộc

Đáng chú ý, ngày 10/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập. Một điểm mới quan trọng của Nghị định này là việc mở rộng đối tượng phải kiểm toán báo cáo tài chính bắt buộc đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, kể từ năm tài chính 2025.

Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 90/2025/NĐ-CP, doanh nghiệp có quy mô lớn phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính bắt buộc được xác định cụ thể:

“đ. Doanh nghiệp khác có quy mô lớn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập thỏa mãn ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau: Có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm trên 200 người trở lên, có tổng doanh thu của năm trên 300 tỷ đồng trở lên, có tổng tài sản trên 100 tỷ đồng trở lên.”

Nghị định cũng đã đưa ra nguyên tắc xác định cho một số khái niệm mới được nhắc đến khi định nghĩa “doanh nghiệp có quy mô lớn” theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 này, bằng việc bổ sung thêm khoản 7 Điều 15 của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP:

“7. Nguyên tắc xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm, tổng doanh thu của năm, tổng tài sản của các đơn vị quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này, như sau:
a) Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là toàn bộ số lao động do đơn vị quản lý, sử dụng và trả lương, trả công tham gia bảo hiểm xã hội theo pháp luật về bảo hiểm xã hội;
b) Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của tất cả các tháng trong năm trước liền kề chia cho 12 tháng;
c) Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của tháng được xác định tại thời điểm cuối tháng và căn cứ trên chứng từ nộp bảo hiểm xã hội của tháng đó mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội;
d) Tổng doanh thu của năm được xác định trên báo cáo tài chính năm của năm trước liền kề được đơn vị lập theo quy định của pháp luật về kế toán;
đ) Tổng tài sản được xác định tại thời điểm cuối năm tài chính trên báo cáo tài chính năm của năm trước liền kề được đơn vị lập theo quy định của pháp luật về kế toán.”

Việc bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 15 Nghị định 17/2012/NĐ-CP theo Nghị định 90/2025/NĐ-CP đã chính thức đưa các doanh nghiệp có quy mô lớn trở thành một đối tượng phải thực hiện kiểm toán bắt buộc báo cáo tài chính hằng năm. Đây là một bước phát triển đáng chú ý trong chính sách quản lý tài chính doanh nghiệp tại Việt Nam, thể hiện định hướng tăng cường minh bạch, kỷ luật thị trường và chuẩn hóa hoạt động tài chính, không chỉ với các công ty đại chúng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà cả với các doanh nghiệp nội địa lớn.

So với các quy định trước đây vốn chỉ tập trung vào loại hình pháp lý hoặc yếu tố vốn, quy định mới có sự tiếp cận thực tiễn hơn bằng các chỉ số quy mô hoạt động thực tế (lao động, doanh thu, tài sản). Việc sử dụng tổ hợp điều kiện “ít nhất 2 trong 3” cũng đảm bảo tính linh hoạt, phản ánh đa dạng đặc điểm của doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau (sản xuất, thương mại, dịch vụ, công nghệ…).

Cách tính số lao động bình quân năm (tổng lao động của 12 tháng chia cho 12) là thông lệ phổ biến, phản ánh đúng quy mô nhân sự hoạt động ổn định trong doanh nghiệp, tránh tình trạng tăng đột biến ngắn hạn.

Những quy định chi tiết này tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cả cơ quan quản lý, kiểm toán viên và doanh nghiệp khi xác định nghĩa vụ kiểm toán. Đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp có thể tự đánh giá trước về việc mình có thuộc đối tượng phải kiểm toán hay không.

Trong bối cảnh quy định mới có hiệu lực, doanh nghiệp cần chủ động rà soát định kỳ các chỉ tiêu về lao động, doanh thu và tài sản dựa trên báo cáo tài chính năm và dữ liệu bảo hiểm xã hội để xác định chính xác nghĩa vụ kiểm toán bắt buộc. Việc lưu trữ đầy đủ chứng từ nộp bảo hiểm xã hội hằng tháng và báo cáo tài chính được lập đúng quy định sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng chứng minh tình trạng quy mô của mình khi làm việc với cơ quan quản lý hoặc kiểm toán viên. Đối với những doanh nghiệp lần đầu thuộc diện phải kiểm toán do đạt ngưỡng quy mô lớn, việc chủ động chuẩn bị từ sớm và lựa chọn đơn vị kiểm toán đủ điều kiện hành nghề là yếu tố then chốt nhằm đảm bảo tiến độ lập và nộp báo cáo tài chính đúng hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên coi kiểm toán độc lập không chỉ là yêu cầu tuân thủ pháp luật mà còn là cơ hội để rà soát hệ thống tài chính nội bộ, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn và nâng cao mức độ minh bạch, qua đó củng cố niềm tin với nhà đầu tư, ngân hàng và các đối tác kinh doanh.

Tóm lại, từ năm tài chính 2025, quy định bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính sẽ tác động đến rất nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động rà soát quy mô hoạt động, xây dựng kế hoạch kiểm toán định kỳ và làm việc sớm với các công ty kiểm toán độc lập để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

———————-

Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, 
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; 
email: tmle@tlalaw.vn

Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464

TTT

Bài liên quan