Bảo hộ bí mật kinh doanh bằng thoả thuận bảo mật

Trong thời đại công nghệ thông tin, bất cứ thông tin hay dữ liệu nào của doanh nghiệp cũng có thể được coi là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Để bảo vệ bí mật kinh doanh của mình, các doanh nghiệp thường có những thoả thuận bảo mật thông tin với người lao động trong quá trình làm việc cũng như sau khi người lao động thôi làm việc.

1. Bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam và thế giới

Bí mật kinh doanh là những thông tin hữu ích, có thể mang lại thành công cho doanh nghiệp. Theo nhiều đánh giá, bí mật kinh doanh còn quan trọng hơn so với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ còn lại như sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu. Bởi lẽ, bí mật kinh doanh có phạm vi rộng, bao gồm các thông tin, dữ liệu mật của doanh nghiệp, có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư. Bí mật kinh doanh là một trong những loại quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận tại Hiệp định về các Khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) bên cạnh các đối tượng sở hữu trí tuệ khác. Theo quy định của Hiệp định TRIPS thì các thể nhân và pháp nhân phải có được khả năng ngăn chặn để thông tin mà mình kiểm soát một cách hợp pháp không bị tiết lộ cho những người không được mình đồng ý, không bị những người đó chiếm đoạt hoặc sử dụng theo cách thức trái với hoạt động thương mại trung thực, nếu thông tin đó: (1) có tính chất bí mật với nghĩa là những người thường xuyên xử lý loại thông tin đó nói chung không biết đến hoặc không thể dễ dàng tiếp cận thông tin đó dưới dạng thông tin toàn bộ, tức là dưới dạng ghép nối theo trật tự chính xác mọi chi tiết của thông tin đó; (ii) có giá trị thương mại vì có tính chất bí mật; và (iii) được người kiểm soát hợp pháp thông tin đó giữ bí mật bằng những biện pháp phù hợp thực tế. 

Ở Việt Nam, bí mật kinh doanh được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Khái niệm bí mật kinh doanh được quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 như sau:

“Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”

Điều kiện để bảo hộ bí mật kinh doanh được quy định tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 như sau:

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Các thông tin không được bảo hộ như bí mật kinh doanh được quy định tại Điều 85 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 như sau:

Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

1. Bí mật về nhân thân;

2. Bí mật về quản lý nhà nước;

3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;

4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

Hiện nay, vấn đề pháp lý về bảo hộ bí mật kinh doanh ở Việt Nam đang dừng ở mức cơ bản, và chưa có nhiều tranh chấp trên thực tế về vấn đề này. Điều này xuất phát từ trình độ kỹ thuật, công nghệ và kinh tế của Việt Nam chưa cao; do đó, thực tiễn tranh chấp về vấn đề liên quan đến bí mật kinh doanh chưa nhiều. Để bảo mật các thông tin của mình, các doanh nghiệp có thể dùng các biện pháp khác nhau như biện pháp kỹ thuật (tài liệu bí mật được số hóa, mã hóa, cài đặt mật khẩu, cài đặt tường lửa…), biện pháp cơ học (giữ các tài liệu bí mật trong các két sắt, tủ sắt, tủ bí mật…), và các biện pháp pháp lý (NDA).

2. Sự cần thiết của thoả thuận bảo mật thông tin

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các công cụ khác nhau mà Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cho phép như quyền tác giả, sáng chế hay bí mật kinh doanh để bảo vệ các tài sản trí tuệ một cách phù hợp. Việc lựa chọn cách thức để bảo vệ những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ nêu trên đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp chọn bảo vệ thành quả lao động của mình dưới dạng sáng chế, thì thời hạn bảo hộ của sáng chế là 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Trong khi đó, nếu một đối tượng được bảo hộ bằng bí mật kinh doanh thì thời hạn bảo hộ không bị giới hạn. Ngoài việc cân nhắc các chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cùng với việc xác định nên bảo hộ đối tượng quyền dưới dạng sáng chế hay bí mật kinh doanh thì doanh nghiệp cũng phải có chiến lược bảo mật hiệu quả trong đó bao gồm thoả thuận bảo mật.

Thỏa thuận bảo mật (non-disclosed agreement) hay thỏa thuận bảo mật (confidentiality agreement) (NDA) hay thỏa thuận không cạnh tranh (non-compete agreement) là công cụ pháp lý được sử dụng khi người sử dụng lao động ký kết với người lao động nhằm thiết lập những nghĩa vụ nhất định trong quá trình làm việc cũng như sau khi hợp đồng lao động chấm dứt. Thông thường, NDA bao gồm các nghĩa vụ mà người lao động không được làm như không được phép tiết lộ bí mật kinh doanh mà người đó có được trong quá trình làm việc cho bất cứ bên thứ ba nào nếu không được sự đồng ý của người sử dụng lao động. Ngoài ra, trong một số NDA, sau khi hợp đồng lao động giữa các bên chấm dứt, người lao động không được phép làm việc cho một hoặc một số các đối thủ cạnh tranh hoặc các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực kinh doanh nhằm hạn chế khả năng những thông tin của người sử dụng lao động cũ bị tiết lộ ra bên ngoài trong một khoảng thời gian nhất định. Nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, các thành quả nghiên cứu cũng như tài sản trí tuệ của mình, các doanh nghiệp sẽ sử dụng NDA như một công cụ hữu hiệu nhằm ràng buộc người lao động trong suốt quá trình lao động cùng như trong một thời gian nhất định sau khi hợp đồng lao động đã chấm dứt.

3. Thoả thuận bảo mật trong quan hệ lao động

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thị trường lao động toàn cầu mở ra khả năng làm việc cho người lao động khắp nơi trên toàn thế giới. Điều này tạo ra khả năng thay đổi công việc của người lao động. Khi người lao động thay đổi nơi làm việc, trong nhiều trường hợp có khả năng bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động cũ bị tiết lộ trong quá trình làm việc cho người sử dụng lao động mới. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp sử dụng NDA để ràng buộc người lao động nhằm tránh trường hợp bí mật kinh doanh của mình bị bộc lộ ra bên ngoài khi người lao động làm việc cho doanh nghiệp khác.

Tại Việt Nam, NDA trong quan hệ lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn của luật này. NDA theo quy định của pháp luật lao động bao gồm bí mật kinh doanh và bí mật công nghệ. Theo đó, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm. 

3.1. Bí mật công nghệ

Đối với NDA, Bộ luật Lao động năm 2019 ghi nhận đối tượng được bảo mật gồm có bí mật kinh doanh và bí mật công nghệ. Bí mật kinh doanh là đối tượng được Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 điều chỉnh. Việc xác định một thông tin có phải là bí mật kinh doanh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và phải căn cứ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng như các văn bản hướng dẫn của luật này. Trước đây, trong một số bản án, các tòa không thống nhất trong việc xác định thông tin nào là bí mật kinh doanh, trong một số trường hợp, nhiều thông tin Tòa án cho là bí mật kinh doanh lại không phải là bí mật kinh doanh dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, gây ra sự bất lợi cho người lao động. Những thông tin được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh là những thông tin mà khi một chủ thể nắm giữ nó sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với những chủ thể khác. Thông tin đó có thể là thông tin về công nghệ (cách thức sản xuất, dữ liệu nghiên cứu thí nghiệm…), thông tin thương mại (cách thức phân phối, danh sách nhà cung cấp, danh sách khách hàng, chiến lược quảng cáo), thông tin tài chính, công thức, mã nguồn… 

Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn của luật này cũng không có định nghĩa hay giải thích như thế nào là bí mật công nghệ. Với cách quy định như hiện nay của Bộ luật Lao động năm 2019, “bí mật công nghệ” gần như tồn tại song song với bí mật kinh doanh, không phải là một phần của bí mật kinh doanh. Việc xác định bí mật công nghệ là gì, những thông tin nào được xem là bí mật công nghệ cần phải được Bộ luật Lao động năm 2019 cùng như các văn bản hướng dẫn của luật này ghi nhận rõ, tránh những tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc liệu rằng một thông tin có phải là bí mật công nghệ hay không.

3.2. Nghĩa vụ tài chính của người sử dụng lao động trong thỏa thuận bảo mật 

Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận với người lao động về nội dung bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong hợp đồng lao động hoặc bằng NDA riêng biệt. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì NDA bao gồm các nội dung: danh mục bí mật kinh doanh và bí mật công nghệ; phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh và bí mật công nghệ; thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh và bí mật công nghệ; phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh và bí mật công nghệ; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh và bí mật công nghệ; xử lý vi phạm thỏa thuận bí mật kinh doanh và bí mật công nghệ.

Có thể thấy các hướng dẫn về nội dung của NDA tại Thông tư 10/2020/ TT-BLĐTBXH là một sự cố gắng của các nhà làm luật trong việc hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Trước khi BLLĐ năm 2019 được ban hành, quy định về bảo mật không được nêu một cách rõ ràng cụ thể, điều này tạo ra nhiều bất cập trong quá trình giải quyết các tranh chấp liên quan đến NDA giữa các bên. Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong NDA không được điều chỉnh cụ thể, khiến cho quyền lợi ích hợp pháp người lao động trong nhiều trường hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối chiếu với các nội dung được ghi nhận tại Điều 4 Thông tư 10/2020/ TT-BLĐTBXH, ta có thể thấy rằng mặc dù nội dung của NDA khá cụ thể và tiến bộ, nhưng để đảm bảo những nội dung này được thực hiện trên thực tế thì cần phải đặt ra nghĩa vụ hỗ trợ tài chính của người sử dụng lao động đối với người lao động trong thời gian người này không được làm việc cho doanh nghiệp cạnh tranh khác để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Điều này là hoàn toàn hợp lý; bởi vì, trong trường hợp người lao động vi phạm NDA thì phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động. Do đó, nếu các bên có thỏa thuận về thời hạn người lao động không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh thì ngược lại, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền tương ứng với thu nhập trước đây của người lao động trong thời gian còn làm việc tại doanh nghiệp đó. 

3.3. Đối thủ cạnh tranh

Trên thực tế, không ít trường hợp các doanh nghiệp dùng các cách thức khác nhau nhằm thu hút người lao động của các đối thủ cạnh tranh về làm việc cho mình. Điều này mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đó: (1) không tốn chi phí đào tạo; (2) có khả năng tiếp cận được bí mật kinh doanh của đối thủ cạnh tranh. Trong trường hợp giữa người sử dụng lao động và người lao động có NDA, thì thỏa thuận này sẽ là căn cứ để xác định trách nhiệm của các bên nếu người lao động làm việc cho đối thủ cạnh tranh. Việc xác định liệu rằng các doanh nghiệp có phải là đối thủ cạnh tranh hay không còn phải phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Trong nhiều trường hợp, người sử dụng lao động sẽ xác định đối thủ cạnh tranh bằng một danh sách các công ty và cá nhân mà người lao động không được trực tiếp hay gián tiếp làm việc, danh sách này có thể được cập nhật và thông báo chung cho toàn công ty.

Liên hệ Luật sư tư vấn:

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn;

2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

_Nguyễn Anh Phương_

Bài liên quan