Quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam

Bất kể nhà đầu tư nào khi xem xét đầu tư vào một dự án đều quan tâm đến tính khả thi và sự an toàn đối với các khoản đầu tư của mình thông qua các biện pháp bảo đảm đầu tư mà nước nhận đầu tư quy định, đặc biệt đều đặt ra yêu cầu phải được chuyển vốn, lợi nhuận và các tài sản hợp pháp khác của mình ra nước ngoài một cách thuận tiện. Đây là nhu cầu tất yếu nhằm đảm bảo cho việc chu chuyển vốn vì mục đích tái đầu tư hoặc mục đích khác của nhà đầu tư nước ngoài. 

Ở Việt Nam, các biện pháp bảo đảm này đã xuất hiện từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, tiếp tục hoàn thiện ở Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996, Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000, Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020. Ngoài ra, các quy định về đầu tư nước ngoài, trong đó có các biện pháp bảo đảm đầu tư còn được ghi nhận trong các luật chuyên ngành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Pháp lệnh ngoại hối… và trong các hiệp định song phương, đa phương về đầu tư mà Việt Nam đã kí kết và gia nhập. Trong đó Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành là văn bản đề cập rõ ràng và cụ thể nhất về vấn đề bảo đảm đầu tư, đặc biệt là các biện pháp bảo đảm đầu tư. 

Liên quan đến quyền chuyển vốn, lợi nhuận và các tài sản khác hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Điều 12 Luật Đầu tư năm 2020 quy định: 

“Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây:

1. Vốn đầu tư, các khoản thanh lí đầu tư; 

2. Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh; 

3. Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư”. 

Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các loại tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tài sản đó bao gồm: phần vốn góp, vốn góp này có thể là tiền và tài sản khác; các khoản thanh lí đầu tư, có thể là tiền có được từ việc bán lại cổ phần, cổ phiếu cho các nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài; lợi nhuận từ hoạt động đầu tư kinh doanh. Cần lưu ý là phần lợi nhuận của nhà đầu tư khi chuyển ra nước ngoài không phải nộp thuế. Quy định như trên giúp đảm bảo tính hợp lí của pháp luật Việt Nam trong quy định về việc chống đánh thuế hai lần đối với lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài. Việc bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài là phù hợp với các cam kết về tránh đánh thuế trùng mà Việt Nam đã kí với các quốc gia khác trong các hiệp định về đầu tư.

Ngày 24/12/2013, Bộ tài chính cũng ban hành Thông tư số 205/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện các hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam. Theo nội dung của các hiệp định cũng như Thông tư số 205/2013/TT-BTC thì các loại thuế áp dụng là các loại thuế mang tính chất thu nhập như: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế lợi tức, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài… Việc chuyển ra nước ngoài các khoản trên được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi theo tỉ giá giao dịch tại ngân hàng thương mại do nhà đầu tư lựa chọn. Thủ tục chuyển lợi nhuận, thời điểm chuyển, xác định lợi nhuận chuyển ra nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ngoại hối (đối với lợi nhuận là tiền) và tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu hàng hoá (đối với lợi nhuận là hiện vật và thực hiện quy đổi giá trị hiện vật).

Các quy định trên đã xác định rất rõ quyền của nhà đầu tư nước ngoài được tự do chuyển vốn, lợi nhuận, thu nhập hợp pháp từ hoạt động đầu tư ra khỏi nước nhận đầu tư. Mọi biện pháp hạn chế quyền này đều bị coi là vi phạm các điều khoản về bảo đảm đầu tư trong Luật Đầu tư năm 2020, các luật có liên quan và các hiệp định về đầu tư song phương mà Việt Nam đã kí với các quốc gia khác trên thế giới. 

Liên hệ Luật sư tư vấn:

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn;

2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

_Nguyễn Anh Phương_

Bài liên quan