Một số hình thức trục lợi bảo hiểm thất nghiệp

Bên cạnh việc cụ thể hóa điều kiện, đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong quy định tại Luật Việc làm hay Luật Bảo hiểm.

Điều 53 của Luật Việc làm 2013 cũng đã quy định rõ những trường hợp bị tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:

1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
2. Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;
b) Tìm được việc làm;
c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
d) Hưởng lương hưu hằng tháng;
đ) Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;
e) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;
g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;
k) Chết;
l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
m) Bị tòa án tuyên bố mất tích;
n) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
4. Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn ra. Các quy định liên quan vẫn tồn tại nhiều kẽ hở, để một bộ phận cá nhân, tổ chức lợi dụng, gây ra các tình huống mà điển hình có thể liệt kê như sau:

Gian lận, giả mạo hồ sơ, báo cáo sai sự thật, cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm thất nghiệp, trong hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp, hỗ trợ thất nghiệp

Dựa vào kế hoạch hoặc hiểu biết về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trước khi bản thân không còn thuộc diện được nhận hỗ trợ (đã tìm được việc, sắp nghỉ hưu, sắp đi du học, quá tuổi…), người lao động chủ đích che giấu và khai gian với các cơ quan bảo hiểm xã hội để tiếp tục hưởng quyền lợi như luật định dành cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động tự tạo ra trạng thái, tình hình bất lợi, bất khả kháng giả để hưởng chế độ của bảo hiểm thất nghiệp, từ chối tái gia nhập thị trường lao động qua việc từ chối đề xuất, gợi ý công việc từ trung tâm hỗ trợ việc làm (làm giả giấy tờ của cơ quan y tế, tự gây tai nạn…).

Trốn nghĩa vụ đóng, chiếm dụng tiền đóng, tiền hưởng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động liên tục đổi việc sau khi đóng đủ số tháng tối thiểu để được hưởng trợ cấp thất nghiệp kèm theo lương mà công việc trước đó đã chi trả. Đây cũng có thể coi là lỗ hổng trong luật, là động cơ khiến người lao động nảy sinh tâm lý khai thác nguồn lợi vốn có thể dành cho đối tượng cần thiết hơn, nhất là trong đợt dịch Covid – 19 (2020 – 2023) khi mà tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, kéo theo tình trạng mất việc, yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lớn.

Người lao động cùng với người sử dụng lao động, cá nhân có chức quyền tiến hành khai gian, khai khống, thực hiện gian lận để cắt xén, tăng khống số tiền hỗ trợ, chiếm dụng số tiền mà Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả. Ví dụ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả cho Trung tâm dạy nghề để đào tạo người lao động học nghề A (5 triệu/người), nhưng thực tế nghề người lao động học lại là B (có mức hỗ trợ chỉ là 2 triệu/người), phần chênh lệch 3 triệu được chia theo thỏa thuận của hai bên. Thậm chí, có người sử dụng lao động còn cấu kết với người lao động, cho người lao động nghỉ việc để họ nhận trợ cấp rồi sau nhận lại vào công ty theo giai đoạn, chia tiền hỗ trợ đã tính toán từ trước. Một số trường hợp hối lộ, tham nhũng, “nhờ vả” người nhà làm việc trong cơ quan Bảo hiểm xã hội điều chỉnh hồ sơ từ “không đủ điều kiện” sang “đủ điều kiện” đã tạo cơ hội cho nhiều người lao động được hưởng hỗ trợ từ Bảo hiểm thất nghiệp như một cách đường hoàng, chính đáng.

Người lao động lợi dụng khoản 4 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP để trục lợi 01 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp. Dựa trên quy định rằng “Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp vào những ngày của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó”, nhiều người vào những ngày đầu tháng dù đã không còn thuộc diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp (ví dụ người A hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 01/2020, tới ngày 10/10/2020 thì có việc làm mới), nhưng vẫn mặc nhiên nhận về một khoản trợ cấp một cách không chính đáng, thiếu công bằng.

Lừa đảo, chiếm đoạt sổ Bảo hiểm xã hội của người lao động để chiếm đoạt tiền trợ cấp thất nghiệp

Một trong những thủ đoạn “tinh vi” mà các đối tượng xấu sử dụng để trục lợi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là thu mua sổ Bảo hiểm xã hội của người lao động, sau đó làm hồ sơ nhận tiền trợ cấp thất nghiệp theo cơ chế ủy quyền trong khi bản thân người lao động không có nhu cầu, cũng không được nhận hỗ trợ.

Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

Nguyễn Hương Huyền

Bài liên quan