Người lao động cần chú ý quyền lợi của mình khi doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, tránh bị thiệt.
Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, trong thời điểm các doanh nghiệp thường có xu hướng co hẹp lại quy mô sản xuất và cắt giảm lao động hàng loạt thì người lao động là đối tượng đầu tiên bị gánh chịu những thiệt thòi. Vậy người lao động sẽ được hưởng gì khi bị các doanh nghiệp cắt giảm lao động.
Trợ cấp mất việc
Theo Điều 42 Bộ luật lao động 2019, trường hợp công ty thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động, thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm, thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh hoặc vì lý do khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế mà công ty không thể giải quyết được việc làm, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm.
Trợ cấp mất việc cũng được chi trả trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo Điều 47 Bộ luật lao động 2019, Đối tượng được hưởng trợ cấp mất việc làm là người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm. Thời gian hưởng trợ cấp mất việc sẽ được trừ đi thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và thời gian làm việc đã được công ty chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Người lao động lưu ý sự khác nhau giữa trợ cấp mất việc và trợ cấp thôi việc.
Trợ cấp thôi việc được chi trả trong trường hợp hợp đồng lao động chấm dứt vì các lý do nêu tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật lao động 2019 như hợp đồng lao động hết hạn, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng… Trong trường hợp này khi người lao động đã làm thường xuyên từ 12 tháng liên tục trở lên thì mỗi năm người lao động làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là bình quân của 6 tháng liền kề trước đó của người lao động.
Trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 140 Luật Bảo hiểm xã hội 2006, người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Đối tượng được nhận loại bảo hiểm thất nghiệp là người lao động đã đóng bảo hiểm từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn. Và Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng
Khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp theo mức hưởng hằng tháng bằng 60% tiền lương trung bình của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Thời gian nhận bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động đóng đủ từ 12 tháng đến 36 tháng sẽ được nhận 3 tháng trợ cấp thất nghiệp và sau đó cứ mỗi 12 tháng đóng đủ thì sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp. Tổng thời gian nhận tối đa không quá 12 tháng.
Hỗ trợ học nghề
Ngoài trợ cấp mất việc, trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và đặc biệt là được hỗ trợ học nghề không quá 6 tháng.
Theo quyết định 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 quy định về mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì mức hỗ trợ học nghề như sau:
- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.
- Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là ½ tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.
Trong thời gian khó khăn vì mất việc do doanh nghiệp tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự hàng loạt, người lao động cần biết rõ quyền lợi của mình để yêu cầu người sử dụng lao động chi trả và đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ.