Chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là một sự kiện pháp lý quan trọng bởi hậu quả pháp lý của nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới cả người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Việc chấm dứt HĐLĐ là sự kết thúc của quan hệ lao động (QHLĐ), kéo theo những ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập cuộc sống của NLĐ và thậm chí cả gia đình họ. Đối với NSDLĐ, chấm dứt HĐLĐ có thể gây ảnh hưởng đến bộ máy nhân sự, gây ra sự xáo trộn lao động trong đơn vị. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của cả NLĐ và NSDLĐ trong QHLĐ, pháp luật lao động nhất thiết cần quy định cụ thể, chặt chẽ về chấm dứt HĐLĐ.
- Khái niệm chấm dứt Hợp đồng lao động
Trong QHLĐ, khi tồn tại giao kết HĐLĐ thì việc chấm dứt HĐLĐ là điều tất yếu. Nếu như giao kết HĐLĐ nhằm xác lập QHLĐ thì chấm dứt HĐLĐ là sự kiện pháp lý đánh dấu sự kết thúc của QHLĐ, các bên sẽ được giải phóng khỏi sự ràng buộc về các quyền và nghĩa vụ đã được ghi nhận trong HĐLĐ đã thiết lập trước đó. Hiện nay, các văn bản pháp luật của Việt Nam, kể cả Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 hiện hành, đều không đưa ra khái niệm cụ thể về chấm dứt HĐLĐ mà chỉ đưa ra các trường hợp được coi là chấm dứt HĐLĐ. Điều 34 BLLĐ năm 2019 đã nêu ra 13 trường hợp làm căn cứ cho việc chấm dứt HĐLĐ, bao gồm các trường hợp như chấm dứt HĐLĐ do các bên thỏa thuận, đơn phương chấm dứt HĐLĐ và chấm dứt HĐLĐ do sự kiện pháp lý phát sinh18. Có thể thấy, căn cứ chấm dứt HĐLĐ đã được pháp luật quy định theo hướng định lượng, nghĩa là quy định cụ thể các căn cứ để NLĐ và NSDLĐ được quyền chấm dứt hợp đồng. HĐLĐ có thể chấm dứt bởi một hay nhiều căn cứ khác nhau.
Tuy nhiên, trên cơ sở tổng hợp về đặc điểm của chấm dứt HĐLĐ, vẫn có thể khái quát về khái niệm chấm dứt HĐLĐ như sau: Chấm dứt HĐLĐ là sự kiện pháp lý làm chấm dứt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà hai bên đã thỏa thuận trong HĐLĐ.
2. Đặc trưng cơ bản của chấm dứt Hợp đồng lao động
Thứ nhất, chấm dứt HĐLĐ là sự kiện pháp lý làm chấm dứt QHLĐ.
Chấm dứt HĐLĐ thực chất là sự giải phóng các bên chủ thể khỏi những ràng buộc về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Điều này hoàn toàn khác với sự thay đổi HĐLĐ hay tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Nếu như sự thay đổi HĐLĐ là việc các bên thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong hợp đồng thì tạm hoãn thực hiện HĐLĐ là việc các bên tạm thời việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong một khoảng thời gian nhất định, kết thúc thời gian đó, các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng. Như vậy, có thể thấy, về bản chất, việc thay đổi HĐLĐ hay tạm hoãn thực hiện HĐLĐ đều không dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Chỉ có chấm dứt HĐLĐ mới là sự kiện pháp lý làm chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của QHLĐ giữa hai bên.
Thứ hai, sự kiện pháp lý làm chấm dứt HĐLĐ có tính đa dạng.
Một trong số những nguyên tắc cơ bản đầu tiên để giao kết HĐLĐ là sự thống nhất ý chí giữa hai bên chủ thể là NLĐ và NSDLĐ. Nếu không tồn tại yếu tố này sẽ không thể xác lập bất kì HĐLĐ nào. Tuy nhiên, đối với chấm dứt HĐLĐ, không nhất định phải có sự thống nhất ý chí từ tất cả các bên. Theo đó, việc chấm dứt HĐLĐ có thể xuất phát từ ý chí của hai bên (thỏa thuận chấm dứt) hoặc chỉ một bên (đơn phương chấm dứt), cũng có thể chấm dứt do phát sinh sự kiện pháp lý nằm ngoài ý chí của cả hai bên. Sự đa dạng của căn cứ chấm dứt HĐLĐ từ đó cũng chi phối đến hậu quả pháp lý của việc chấm dứt HĐLĐ.
Thứ ba, chấm dứt HĐLĐ có thể hợp pháp hoặc bất hợp pháp.
Xác định tính hợp pháp của việc chấm dứt HĐLĐ cần dựa vào các yếu tố về căn cứ chấm dứt, thủ tục, trình tự chấm dứt HĐLĐ theo luật định. Theo đó, chấm dứt HĐLĐ hợp pháp là việc chấm dứt HĐLĐ đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về các yếu tố nêu trên, còn chấm dứt HĐLĐ bất hợp pháp (chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật) là việc chấm dứt HĐLĐ mà các bên chủ thể trong quá trình thực hiện việc chấm dứt đã vi phạm quy định của pháp luật. Hành vi vi phạm của các bên có thể xuất phát từ lí do chủ quan hoặc khách quan, nhưng đều sẽ gây ra hậu quả pháp lý không mong muốn.
Thứ tư, chấm dứt HĐLĐ tạo ra hậu quả pháp lý đa dạng.
Việc chấm dứt HĐLĐ trong bất kì điều kiện nào cũng làm phát sinh hậu quả pháp lý. Và đối với chấm dứt HĐLĐ, những hậu quả pháp lý này mang tính đa dạng. Bởi lẽ hậu quả pháp lý của chấm dứt HĐLĐ hợp pháp và chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là khác biệt. Và hậu quả pháp lý của chấm dứt HĐLĐ đối với mỗi bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng cũng không giống nhau.
3. Mục đích điều chỉnh của pháp luật đối với việc chấm dứt Hợp đồng lao động
Việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với việc chấm dứt HĐLĐ mang tính cần thiết và đặc biệt quan trọng, bởi lẽ những tác động nó gây ra cho NLĐ, NSDLĐ và cả Nhà nước là không nhỏ. Cụ thể:
Đối với NLĐ, chấm dứt HĐLĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của NLĐ, gây ra sự mất ổn định trong cuộc sống của không chỉ riêng NLĐ mà thậm chí cả gia đình của họ. Sự thiết hụt về tài chính tạo ra áp lực kinh tế, gây ra đói nghèo và những bất ổn khác trong gia đình. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của các tệ nạn xã hội. Sự mất việc làm có thể gây ra tâm lý hoang mang, chán nản cho NLĐ, dẫn đến việc họ đễ dàng bị lôi kéo vào các hành vi sai trái, hoặc bất chấp thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm tìm kiếm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Điều này có thể gây ra những rối loạn không chỉ trong gia đình mà thậm chí là sự rối loạn, mất an toàn trong xã hội.
Đối với NSDLĐ, chấm dứt HĐLĐ có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh, vì chấm dứt HĐLĐ trực tiếp tác động đến quá trình cung ứng lao động tạo ra hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, trong trường hợp chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, NSDLĐ còn có thể chịu những hậu quả pháp lý bất lợi, gây tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như uy tín của NSDLĐ.
Tuy nhiên, việc chấm dứt HĐLĐ không phải lúc nào cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến NSDLĐ. Đối với NLĐ, chấm dứt HĐLĐ có thể là cách bảo vệ họ khỏi những hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận của NSDLĐ, đồng thời là biểu hiện cho quyền tự do tìm kiếm và lựa chọn việc làm của NLĐ. Đối với NSDLĐ, việc chấm 15 dứt HĐLĐ cũng là cách đảm bảo quyền tự do kinh doanh của họ, khi NSDLĐ có được quyền quyết định trong vấn đề tổ chức và sử dụng nhân lực.
Vì vậy, cần đặt ra khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh vấn đề chấm dứt HĐLĐ nhằm dung hòa lợi ích giữa hai bên NLĐ và NSDLĐ, đồng thời bảo vệ họ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực do chấm dứt HĐLĐ mang lại, từ đó hướng đến mục đích tạo ra sự ổn định trong QHLĐ. Đồng thời, điều này còn tạo ra cơ sở pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp, xung đột xảy ra do chấm dứt HĐLĐ tạo nên. Như vậy, chấm dứt HĐLĐ đòi hỏi phải đặt trong sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý thông qua công cụ điều chỉnh là pháp luật nhằm thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực lao động. Mục đích của điều chỉnh pháp luật đối với việc chấm dứt HĐLĐ chính là xác định các giới hạn pháp lý mà các bên được thực hiện khi chấm dứt HĐLĐ và là căn cứ để giải quyết khi xảy ra tranh chấp.
4. Nội dung pháp luật về chấm dứt Hợp đồng lao động
4.1. Phân loại chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ vào tính chất pháp lý của hành vi chấm dứt HĐLĐ, chấm dứt HĐLĐ được phân loại thành chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật và chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Theo đó, chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật là sự chấm dứt HĐLĐ hợp pháp, tuân theo đầy đủ các quy định của pháp luật về căn cứ và trình tự, thủ tục chấm dứt. Ngược lại, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật được thể hiện qua sự chấm dứt HĐLĐ bất hợp pháp, vi phạm quy định của pháp luật về căn cứ hoặc thủ tục chấm dứt.
Căn cứ vào ý chí của chủ thể chấm dứt HĐLĐ, có thể chia thành ba trường hợp như sau:
Một, chấm dứt HĐLĐ do ý chí của hai bên chủ thể.
Đây là trường hợp thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ khi cả NLĐ và NSDLĐ đều thể hiện, bày tỏ mong muốn được chấm dứt HĐLĐ. Chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này bao gồm: hết hạn HĐLĐ; đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ; hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Ý chí chấm dứt HĐLĐ giữa các bên có thể được thỏa thuận ngay từ thởi điểm các bên giao kết HĐLĐ hoặc được thỏa thuận trong quá trình thực hiện HĐLĐ.
Hai, chấm dứt HĐLĐ do ý chí của một bên hay còn gọi là đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Trong các trường hợp nhất định, pháp luật trao quyền cho NSDLĐ hoặc NLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần sự đồng ý của bên còn lại. Việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ như vậy đòi hổi các bên phải tuân theo quy định về căn cứ, trình tự, thủ tục chấm dứt. Thông thường, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ phát sinh do sự vi phạm các cam kết được ghi nhận trong HĐLĐ hoặc do hoàn cảnh khó khăn, trở ngại trong quá trình lao động và sản xuất, kinh doanh.
Ba, chấm dứt HĐLĐ không do ý chí của hai bên.
Đây là trường hợp chấm dứt HĐLĐ do phát sinh sự kiện pháp lý. Sự kiện pháp lý được biểu hiện dưới dạng hành vi của con người hoặc sự cố tự nhiên được pháp luật gắn với việc làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật nhất định. Đối với căn cứ chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này, sự kiện pháp lý có thể phát sinh do ý chí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ví dụ như các phán quyết, quyết định của Tòa án, hoặc không xuất phát từ ý chí của con người mà do NLĐ, NSDLĐ là cá nhân đã chết.
4.2. Trình tự, thủ tục chấm dứt Hợp đồng lao động
Về nguyên tắc, NLĐ hay NSDLĐ đều phải báo trước cho bên còn lại biết trước một khoảng thời gian luật định, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. Việc báo trước này nhằm hạn chế tác động của chấm dứt HĐLĐ đến các bên chủ thể trong QHLĐ. Theo pháp luật lao động hiện hành, thời hạn báo trước có thề dài hoặc ngắn, tùy thuộc vào ngành, nghề, công việc, lý do chấm dứt HĐLĐ, loại HĐLĐ và được ghi nhận tại khoản 1 Điều 35, khoản 2 Điều 36 và khoản 1 Điều 45 BLLĐ năm 2019.
Về thủ tục trao đổi với tổ chức đại diện NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ, trong khi nhiều quốc gia chưa có quy định về vấn đề này thì pháp luật Việt Nam quy định một số trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ còn phải trao đổi với tổ chức đại diện lao động tại Điều 42, Điều 43, Điều 177 BLLĐ năm 2019 .
4.3. Hậu quả pháp lý khi chấm dứt Hợp đồng lao động
Chấm dứt HĐLĐ về bản chất là chấm dứt việc thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ đã cam kết trước đó trong HĐLĐ, dẫn đến chấm dứt QHLĐ. Sự kiện pháp lý này do đó sẽ gây ra các hệ quả dẫn đến phát sinh trách nhiệm của các bên chủ thể. Đó chính là hậu quả pháp lý của chấm dứt HĐLĐ. Căn cứ vào tính hợp pháp của việc chấm dứt HĐLĐ, tồn tại sự khác biệt giữa hậu quả pháp lý của chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật và chấm dứt HĐLĐ trái phát luật.
Đối với chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật, đó là khi các chủ thể tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Khi đó, các bên chủ thể được coi là không có lỗi, tuy nhiên để đảm bảo nguyên tắc công bằng, thiện chí cũng như tinh thần của BLLĐ năm 2019 là bảo vệ bên yếu thế (tức là NLĐ), NSDLĐ vẫn phải có trách nhiệm nhất định với NLĐ, bao gồm việc chi trả một khoản tiền cụ thể (trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc làm hoặc đền bù cho NLĐ một khoản tiền theo thỏa thuận hoặc theo luật định).
Đối với chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, trong trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, về nguyên tắc sẽ phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải chi trả các khoản trợ cấp, lợi ích khác cho NLĐ. Ngoài ra, nếu NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, tại một số quốc gia, sẽ có chế tài dành riêng cho NLĐ nhằm khắc phục thiệt hại thực tế xảy ra do hành vi vi phạm của NLĐ gây ra cho NSDLĐ. Hiện nay, BLLĐ năm 2019 của Việt Nam quy định về việc giải quyết hậu quả pháp lý của chấm dứt HĐLĐ đúng hoặc trái pháp luật tập trung tại các Điều 40, 41, 46, 47, 48 BLLĐ năm 2019.
5. Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn.
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
– Vũ Thanh Thảo –