Khi giao dịch mua bán đất chưa thực hiện được ngay nhưng để đảm bảo quá trình mua bán được diễn ra thuận lợi cũng như minh bạch, các bên thường lựa chọn hình thức đặt cọc như là một lời cam kết sẽ thực hiện giao dịch. Vậy tại sao khi mua bán nhà đất nên tiến hành đặt cọc – những lưu ý khi đặt cọc mua nhà đất, bạn đọc hãy tham khảo bài viết sau đây để có thêm những thông tin hữu ích.
1. Thế nào là đặt cọc?
“Đặt cọc” là một thuật ngữ được sử dụng trong kinh doanh, trong các giao dịch có liên quan đến tiền bạc. Đây là hình thức thường được sử dụng khi người có nhu cầu mua hoặc thuê muốn xác nhận và cam kết sẽ mua, thuê sản phẩm, dịch vụ. Đặt cọc là việc thanh toán một khoản tiền nhỏ trước khi tiến hành thực hiện giao dịch chính thức với khoản tiền lớn hơn. Việc đặt cọc thể hiện thiện chí đảm bảo rằng người mua hoặc người thuê sẽ nghiêm túc thực hiện giao dịch đã thỏa thuận trước đó. Nếu người mua hoặc người thuê thay đổi ý định sau khi đặt cọc, người nhận cọc có thể giữ lại toàn bộ hoặc một phần số tiền cọc như là một khoản đền bù.
Theo khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì có quy định rằng, đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết, hoặc thực hiện hợp đồng.
Nếu bên đặt cọc không thực hiện cam kết hoặc không tiến hành giao kết hợp đồng theo thỏa thuận, thì tùy thuộc vào thỏa thuận trước đó hoặc quy định của luật liên quan mà bên nhận đặt cọc có thể giữ lại toàn bộ hoặc một phần tài sản đặt cọc. Việc đặt cọc thể hiện tính minh bạch và đảm bảo cho cam kết trong quá trình thương lượng và giao dịch.
2. Mức tiền đặt cọc mua bán nhà đất
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định về mức tiền đặt cọc. Do vậy, các bên được quyền thỏa thuận về mức đặt cọc. Tuy nhiên, dù pháp luật không quy định nhưng để hạn chế rủi ro thì các bên có thể thỏa thuận ở mức dưới 30% giá trị của hợp đồng chuyển nhượng đối với nhà đất hoặc hợp đồng mua bán đối với nhà.
Để đánh giá rủi ro hoặc nghĩa vụ của các bên nếu hợp đồng chuyển nhượng, mua bán không được giao kết, thực hiện thì tùy thuộc vào vị trí của từng bên; vì nếu bên nhận đặt cọc vi phạm thì bên đặt cọc sẽ hưởng lợi, nếu bên đặt cọc vi phạm thì bên nhận đặt cọc sẽ hưởng lợi.
3. Khi mua nhà đất có bắt buộc phải đặt cọc cho người bán không?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 cũng như là luật nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có điều khoản nào bắt buộc người mua phải đặt cọc cho người bán.
Pháp luật chỉ quy định khi thực hiện chuyển nhượng nhà đất thì các bên chỉ cần thực hiện các thủ tục như sau:
- Hợp đồng mua bán phải được công chứng hoặc chứng thực;
- Các bên phải tiến hành kê khai và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước;
- Phải tiến hành đăng ký biến động đất đai
Trên thực tế vì lý do đảm bảo thực hiện giao dịch có giá trị lớn nên các bên thường thực hiện việc đặt cọc để cam kết nghĩa vụ mua bán giữa các bên. Thủ tục đặt cọc sẽ thực hiện trước công đoạn công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán chính thức giữa các bên.
4. Có thể ghi “trả trước” thay vì “đặt cọc” không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một trong các bên từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng sẽ phải chịu “phạt cọc”, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, nếu các bên lập hợp đồng và ghi là “trả trước” thì nghĩa vụ của các bên khi vi phạm sẽ khác với đặt cọc. Trả trước là một phần của số khoản tiền để thực hiện nghĩa vụ thanh toán, trường hợp khi các bên không chuyển nhượng nhà đất thì khoản tiền đó sẽ xử lý như sau:
– Bên mua từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì khoản tiền trả trước sẽ được nhận lại và không chịu phạt, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
– Nếu bên chuyển nhượng từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì chỉ phải trả lại khoản tiền trả trước và không chịu “phạt cọc”, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, nếu ghi “trả trước” mà các bên từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì sẽ trả lại những gì đã nhận mà không chịu “phạt cọc”, trừ khi các bên có thỏa thuận khác mà thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
5. Phạt cọc trong giao dịch mua bán nhà đất được quy định như thế nào?
Dựa theo quy định tại điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 điều chỉnh việc phạt cọc như sau:
Nếu bên đặt cọc từ bỏ việc giao kết, thực hiện hợp đồng, tài sản đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc.
Ngược lại nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc: tài sản đặt cọc; và sẽ bị phạt thêm thêm một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc.
Lưu ý các bên có thể có thỏa thuận khác với quy định về mức phạt cọc được quy định tại điều 328, thỏa thuận này chỉ cần đảm bảo không trái quy định pháp luật cũng như vi phạm đạo đức xã hội.
6. Vì sao nên đặt cọc khi mua bán nhà đất?
Nhằm tránh những rủi ro không mong muốn cũng như để mang lại nhiều lợi ích cho bên mua và bên bán mà việc đặt cọc trong quá trình mua bán nhà đất luôn được áp dụng.
Việc đặt cọc mua bán nhà đất là một lời cam kết nghiêm túc của các bên, nhất là bên mua đối với giao dịch. Điều này thể hiện bên mua có thiện chí, mong muốn thực hiện
giao dịch một cách nghiêm túc và không hủy bỏ giao dịch đã thỏa thuận nếu không có lý do chính đáng.
Việc đặt cọc cũng như một sự đảm bảo cho năng lực tài chính và khả năng hoàn thành giao dịch. Bên mua sẵn sàng đặt cọc, nó như một lời cam kết đảm bảo rằng bên mua hoàn toàn có đủ khả năng thanh toán và thực hiện giao dịch đúng thời hạn đã cam kết. Việc đặt cọc thường đi kèm với một thời hạn cụ thể để tiến hành hoàn tất giao dịch. Điều này tạo ra một áp lực đối với cả hai bên, bên mua chuẩn bị đầy đủ tài chính để thực hiện nghĩa vụ và bên bán chuẩn bị nhà đất hợp pháp để sẵn sàng bàn giao. Nếu bên mua không tiến hành giao dịch như đã thỏa thuận trước đó thì số tiền cọc sẽ được bên bán giữ lại, dâ được coi như là sự bù đắp bồi thường cho bên bán.
Việc đặt cọc trong mua bán nhà đất cũng giúp ngăn chặn một số vấn đề pháp lý có thể xảy ra như việc giả mạo thông tin tài sản, hoặc rút lại ý định bán sau khi đã thống nhất thỏa thuận giá cả.
Đặt cọc cũng có ý nghĩa trong quá trình giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh cũng như xác định yếu tố lỗi và trách nhiệm của từng bên. Hợp đồng đặt cọc cũng thể hiện những thông tin minh bạch về điều kiện giao dịch, giá trị cọc, và những điều khoản chung khác, đây là cơ sở để tránh những phát sinh tranh cãi không đáng có sau này.
Tóm lại, việc đặt cọc là một khâu rất quan trọng trong giao dịch mua bán nhà đất, đảm bảo tính minh bạch, cam kết, cũng như bảo vệ tối đa lợi ích của các bên.
7. Hủy cọc mua nhà đất nhưng không mất tiền trong trường hợp nào?
Điều 423 Bộ luật Dân sự quy định: một bên có quyền hủy hợp đồng nói chung và hợp đồng đặt cọc nói riêng mà không phải bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.
Thứ nhất, nếu bên nhận cọc vi phạm những thỏa thuận trước đó đã ghi rõ trong hợp đồng. Khi đó bên đặt cọc có quyền hủy hợp đồng đặt cọc mà không cần bồi thường bất cứ một khoản tiền nào.
Thứ hai, hợp đồng đặt cọc có thể bị hủy nếu một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ quy định trong hợp đồng. Vi phạm nghiêm trọng được hiểu là bên nhận cọc đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đã cam kết trước đó, việc vi phạm nghĩa vụ này làm cho bên đặt cọc không đạt được mục đích của việc ký kết hợp đồng đặt cọc, không hoàn thành được giao dịch như dự tính ban đầu. Trong trường hợp mua bán nhà đất, những hành vi mà bên nhận đặt cọc vi phạm như: đem nhà đất đó bán cho bên khác, từ chối bán cho bên đặt cọc trong khi đã nhận đặt cọc, hoặc cho dù nhà đất không đủ điều kiện mua bán nhưng vấn tiến hành ký hợp đồng đặt cọc để tiến hành giao dịch mua bán sau đó.
Như vậy nếu bên đặt cọc hủy hợp đồng đặt cọc vì những lý do nêu trên thì sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận đặt cọc.
————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
_Nguyễn Thu Phương_