Đặt cọc, ký cược, ký quỹ là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, các giao dịch dân sự được thực hiện ngày càng phổ biến, việc đề ra các biện pháp để bảo vệ cam kết giữa các bên càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người chưa hiểu rõ thế nào là đặt cọc, ký cược, ký quỹ, cũng không phân biệt được rõ ràng các biện pháp bảo đảm này dẫn đến tình trạng đặt cọc, ký cược, ký quỹ trái pháp luật. Bài viết dưới dây sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về đặt cọc, ký cược, ký quỹ, đồng thời phân biệt ba biện pháp bảo đảm này dựa trên một số tiêu chí.
I. Đặt cọc
Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời gạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng
Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
II. Ký cược
Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời gạn để bảo đảm việc trả lại tài sản đã thuê
Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê
III. Ký quỹ
Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi có ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.
Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.
IV. Phân biệt đặt cọc, ký cược, ký quỹ
Phân biệt đặt cọc, ký cược, ký quỹ dựa trên các tiêu chí như sau:
Tiêu chí | Đặt cọc | Ký cược | Ký quỹ |
Khái niệm | Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. | Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. | Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. |
Mục đích | Bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. | Bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. | Bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. |
Tài sản bảo đảm | Tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác. | Tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác. | Tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá. |
Chủ thể | – Bên đặt cọc – Bên nhận đặt cọc | – Bên ký cược là bên thuê tài sản hoặc là người thứ ba. – Bên nhận ký cược là bên cho thuê tài sản | – Bên ký quỹ – Tổ chức tín dụng nhận ký quỹ – Bên có quyền |
Hậu quả pháp lý | – Hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; – Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; – Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. | – Tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; – Nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê. | Bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ. |
Cơ sở pháp lý | Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 | Điều 329 Bộ luật Dân sự 2015 | Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015 |
Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn.
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
-Vũ Thanh Thảo-