Cầm cố, thế chấp và bảo lãnh là 3 trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ giữa các bên nhằm đặt ra các biện pháp tác động mang tính chất dự phòng để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra. Các biện pháp này được quy định chi tiết tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Vậy phân biệt cầm cố, thế chấp và bảo lãnh như thế nào?
Bộ luật dân sự 2015 quy định 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại Điều 292, bao gồm: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản.
I. Nguyên tắc chung khi xác định tài sản bảo đảm
Nguyên tắc xác định tài sản bảo đảm nói chung và nói riêng, xác định tài sản thế chấp, tài sản cầm cố, tài sản bảo lãnh được thiết lập theo Điều 295 BLDS.
Điều 295. Tài sản bảo đảm
- Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
- Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
- Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
- Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
Tài sản bảo đảm theo luật hiện hành có thể là bất động sản hoặc động sản. Cần nhấn mạnh rằng, khi định nghĩa biện pháp đảm bảo, nhà làm luật Việt Nam không giới hạn phạm vi đối tượng áp dụng biện pháp là bất động sản như trong luật của một số nước. Điều đó cho phép thừa nhận rằng tài sản đảm bảo theo luật Việt Nam hiện hành có thể là bất động sản hoặc động sản, thậm chí là tài sản vô hình, như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.
Tài sản đảm bảo phải thuộc quyền sở hữu của bên đảm bảo. Cũng như luật các nước, luật Việt Nam đòi hỏi bên đảm bảo phải có quyền sở hữu đối với tài sản. Điều này hợp lý bởi trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện, thì chủ nợ có bảo đảm có quyền xử lý tài sản, đặc biệt là bằng cách bán tài sản này để nhận tiền thanh toán.
II. Phân biệt cầm cố, thế chấp và bảo lãnh
Tiêu chí | Cầm cố | Thế chấp | Bảo lãnh |
Khái niệm | Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. CSPL: Điều 309 BLDS 2015 | Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. CSPL: Điều 317 BLDS 2015 | Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. CSPL: Điều 335 BLDS 2015 |
Chủ thể | Bên cầm cố, bên nhận cầm cố. | Bên thế chấp, bên nhận thế chấp, người thứ ba giữ tài sản thế chấp (nếu có). | Bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh. |
Nghĩa vụ tài sản | Có sự chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố để bảo đảm CSPL: Điều 309 BLDS 2015 | Không có sự chuyển giao tài sản. Tài sản do bên thế chấp hoặc bên thứ ba nếu có CSPL: Điều 317 BLDS 2015 | Bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh bằng tài sản bảo đảm hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác đã thỏa thuận. CSPL: Khoản 3 Điều 336 BLDS 2015 |
Hình thức | Phải được lập thành văn bản. | Phải được lập thành văn bản. | Phải được lập thành văn bản. |
Hiệu lực | Có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. CSPL: Điều 310 BLDS 2015 | Có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. CSPL: Điều 319 BLDS 2015 | Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định từ thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh hoặc sau thời điểm phát hành cam kết bảo lãnh theo thỏa thuận của các bên liên quan cho đến thời điểm hết hiệu lực của nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại Điều 23 Thông tư này. CSPL: Điều 20 Thông tư 11/2022/TT-NHNN |
III. Xử lý tài sản đảm bảo
Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm sẽ phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác theo quy định tại khoản 1 Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý khi thuộc các trường hợp sau:
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
- Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Cụ thể, tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 304 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản bảo đảm cầm cố, thế chấp sẽ bị xử lý như sau:
Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
- Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
- Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Điều 304. Bán tài sản cầm cố, thế chấp
- Việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
- Việc tự bán tài sản cầm cố, thế chấp của bên nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong Bộ luật này và quy định sau đây:
a) Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 307 của Bộ luật này;
b) Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.
IV. Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn.
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
– Trần Anh Quân –