Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Hiện nay, với tinh thần hướng đến bảo vệ tốt nhất cho bên yếu thế trong quan hệ lao động, pháp luật lao động Việt Nam đã ban hành và hoàn thiện hơn các quy định về bảo vệ và mở rộng quyền cho người lao động, trong đó có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, thị trường việc làm sôi động, nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu tuân thủ thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động mà không cần lý do. Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động lại không được chú trọng nhiều, dẫn đến tình trạng người lao động không nhận được những khoản trợ cấp đáng ra được nhận, trong đó có trợ cấp thôi việc.

  1. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

Nhằm đảm bảo tối đa quyền tự do lựa chọn công việc, việc làm phù hợp, hạn chế sự chèn ép từ phía người sử dụng lao động, Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động nghỉ việc mà không cần lý do, căn cứ theo khoản 1 Điều 35 năm 2019. Theo quan điểm của nhiều nhà làm luật, việc bảo vệ người lao động nên được ưu tiên hơn so với bảo vệ các cam kết, nguyên tắc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động trước một thời hạn theo luật định để bên sử dụng lao động có đủ thời gian để chuẩn bị, sắp xếp, tuyển dụng lao động thay thế, tránh làm gián đoạn quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thời hạn báo trước được quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:

  • Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn
  • Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng
  • Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng

Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:

  • Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên
  • Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, pháp luật vẫn đặt ra một số ngoại lệ. Khi người sử dụng lao động có hành vi vi phạm cam kết trong hợp đồng lao động, vi phạm pháp luật hoặc một số trường hợp khác theo luật định, người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần bao trước, được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.

2. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động trong quỹ tài chính của mình trong hầu hết các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp. Trợ cấp thôi việc mang ý nghĩa là một khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động sau một thời gian đã đóng góp công sức cho người sử dụng lao động. Hiện nay, đối tượng người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc cần thỏa mãn 02 điều kiện theo luật định:

  • Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo căn cứ tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019.
  • Người lao động có thời gian làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.

Hai trường hợp ngoại lệ của quy định trên bao gồm người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu và người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày liên tục trở lên.

Như vậy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (khoản 9 Điều 34) có thời gian làm việc cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên, không thuộc các trường hợp ngoại lệ đã nêu sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.

3. Xác định trợ cấp thôi việc

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Trong đó:

– Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 của Bộ luật Lao động năm 2019.

– Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

– Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc 30 .

Mức hưởng trợ cấp thôi việc là một nửa tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc. Tiền lương tính trợ cấp thôi việc là tiền lương được tính bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc

4. Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn

Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

– Vũ Thanh Thảo –

Bài liên quan