HÀNH VI GIẢ CHỮ KÝ TRONG DI CHÚC VÀ NHỮNG HẬU QUẢ PHÁP LÝ KÈM THEO

Trong thực tiễn pháp luật, di chúc là một tài liệu pháp lý quan trọng, thể hiện ý chí cuối cùng của người lập di chúc về việc phân chia tài sản sau khi qua đời. Tuy nhiên, việc giả chữ ký trong di chúc đang trở thành một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, gây ra những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Hành vi này không chỉ làm sai lệch ý nguyện của người lập di chúc mà còn làm mất niềm tin vào tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp. Do đó, việc nghiên cứu và hiểu rõ về hành vi giả chữ ký trong di chúc cùng những hậu quả pháp lý kèm theo là rất cần thiết, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan và củng cố sự công bằng trong xã hội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật không hiếm gặp hiện nay. Vậy hậu quả pháp lý của hành vi giả chữ ký trong di chúc sẽ như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết sau đây.

1. Thế nào là di chúc hợp pháp?

Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 giải thích rõ di chúc được hiểu là văn bản hoặc lời nói có thể hiện ý chí, cũng như nguyện vọng của người để lại di sản (người lập di chúc) trong việc định đoạt, chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Những tài sản, quyền sở hữu tài sản của người chết gọi là  di sản.

Pháp luật cũng quy định rõ cách xác định một di chúc là hợp pháp để cho những người được thừa hưởng di sản thừa kế theo di chúc. Cụ thể các điều kiện để một di chúc được coi là hợp pháp bao gồm:

a, Điều kiện chung

Khi tiến hành lập di chúc, người lập di chúc phải ở trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt. Bản thân người lập di chúc không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép phải lập di chúc bởi bất kỳ ai. Vì di chúc là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của người để lại di sản định đoạt tài sản và quyền tài sản của mình, nên sự minh bạch, ý chí tự nguyện và trạng thái nhận thức của tư duy lúc thực hiện việc lập di chúc phải đảm bảo không bị tác động bởi yếu tố nào từ bên ngoài.

b, Về điều kiện trong các trường hợp cụ thể

Di chúc hợp pháp là di chúc không vi phạm những điều mà pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội; Cũng như hình thức di chúc không trái quy định của luật Dân sự về di chúc: như di chúc bằng văn bản, di chúc miệng đều tuân thủ thêm các điều kiện kèm theo.

– Điều kiện lập di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

Di chúc của người trong độ tuổi này được lập dưới hình thức bằng văn bản và phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc đó;

– Điều kiện lập di chúc của người bị hạn chế thể chất, người không biết chữ

Di chúc của người bị hạn chế thể chất, người không biết chữ thì phải được được lập thành văn bản có người làm chứng và có công chứng hoặc chứng thực;

Từ những điều kiện nêu trên thì di chúc được xác định là hợp pháp khi được lập bằng văn bản và có người làm chứng cũng như có công chứng hoặc chứng thực. 

– Một số trường hợp khác di chúc vẫn được công nhận là hợp pháp nếu:

Ngoài di chúc bằng văn bản thì còn có hình thức di chúc miệng. Nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí, nguyện vọng cuối cùng của mình về định đoạt tài sản, quyền tài sản của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng, người làm chứng ghi chép lại lời trăn trối cuối cùng đó và cùng ký tên hoặc điểm chỉ thì di chúc đó được coi là hợp pháp. Khoản 5 Điều 630 quy định về trường hợp lập di chúc miệng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì bản di chúc đã được lập trước đó phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của những người làm chứng.

Chính vì có những quy định trong hình thức lập di chúc mà phát sinh những hành vi liên quan đến việc làm giả di chúc, giả mạo chữ ký trong di chúc nhằm chiếm đoạt di sản của người chết. Trong đó có hành vi giả mạo chữ ký của người lập di chúc hoặc chữ ký của người làm chứng

2. Hậu quả pháp lý của hành vi giả chữ ký trong di chúc

Hành vi giả chữ ký trong di chúc không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Việc này làm sai lệch ý chí của người lập di chúc, gây mất niềm tin vào hệ thống tư pháp và có thể dẫn đến tranh chấp tài sản kéo dài. Nghiên cứu về hậu quả pháp lý của hành vi này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong việc thừa kế tài sản.

– Là hành vi phạm pháp luật và không được quyền hưởng di sản

Bên cạnh hành vi làm giả di chúc, giả mạo chữ ký của người lập di chúc là hành vi vi phạm pháp luật, lúc này người có hành vi vi phạm sẽ không được quyền hưởng di sản theo quy định điểm d khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:

“Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”

Tuy nhiên người có hành vi này vẫn được hưởng di sản trong nếu như người để lại di sản đã biết hành vi của người này nhưng người lập di chúc vẫn cho họ hưởng di sản.

– Phạt vi phạm hành chính với người giả chữ ký trong di chúc

Nếu dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt vi phạm hành chính theo điểm c khoản 1 và khoản 3 của Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: 

  • Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản
  • Đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

– Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính 

Như vậy, có thể hiểu hành vi giả chữ ký trong di chúc là sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, vì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện từ hành vi vi phạm.

3. Trường hợp nào giả chữ ký trong di chúc bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Giả chữ ký trong di chúc nếu có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, và khung hình phạt được quy định như sau:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc tù có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm: Nếu sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này cũng như những tội danh xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản khác chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  • Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Ngoài ra hành vi giả chữ ký trong di chúc có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu:

  • Thực hiện hành vi làm giả di chúc, giả chữ ký để chiếm đoạt tài sản là di sản thừa kế mang tính có tổ chức;
  • Thực hiện hành vi chiếm đoạt di sản thừa kế có tính chất chuyên nghiệp;
  • Chiếm  đoạt di sản thừa kế có trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
  • Có hành vi tái phạm nguy hiểm;
  • Sử dụng thủ đoạn xảo quyệt là lập di chúc giả, giả chữ ký để chiếm đoạt di sản;

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

  • Di sản thừa kế bị chiếm đoạt có trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Tóm lại, hành vi giả chữ ký trong di chúc không chỉ là một hành động trái pháp luật mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các bên liên quan. Nó làm suy giảm niềm tin vào hệ thống pháp lý và gây rối loạn trong việc thực hiện ý chí của người lập di chúc. Việc nhận thức rõ ràng về những hậu quả pháp lý này là rất cần thiết, nhằm bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong việc thừa kế tài sản. Đồng thời, cần có những biện pháp chặt chẽ để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi người và góp phần vào sự ổn định của xã hội.

————————

Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, 
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; 
email: tmle@tlalaw.vn

Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: https://tlalaw.vn/

Hotline: 0906246464

_Nguyễn Thu Phương_

Bài liên quan