Định danh khách hàng điện tử (eKYC) trong thời đại chuyển đổi số ngày nay

Định danh khách hàng điện tử (electronic know your customer – eKYC) đang dần trở thành thuật ngữ quen thuộc trong thời đại công nghệ 4.0. Khái niệm eKYC đang dần trở thành chìa khóa quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Theo Điều 14a Thông tư số 16/2020/TT-NHNN và khoản 6 Điều 1 Thông tư số 02/2019/TT-NHNN, chỉ có khách hàng cá nhân trên 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và là công dân Việt Nam mới được mở tài khoản bằng phương pháp định danh điện tử eKYC. Nếu như theo quy chế mở tài khoản thông thường, chỉ cần cá nhân trên 15 tuổi hoặc người đại diện của cá nhân 15 tuổi trở lên mà mất năng lực hành vi dân sự, người giám hộ của người mất nhận thức, không làm chủ được hành vi hoặc là người nước ngoài khi đủ điều kiện sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, đối với phương pháp lập tài khoản eKYC bắt buộc phải là cá nhân Việt Nam và tài khoản được thành lập phải là tài khoản của cá nhân đó mà không phải cá nhân là người đại diện hoặc người giám hộ. 

So với hoạt động mở tài khoản thông thường, điều kiện thành lập tài khoản của cá nhân này không có sự khác biệt, như thay vì sử dụng bản chính, bản sao, bản sao được chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu, TCTD được sử dụng các bản sao điện tử mà yêu cầu giải pháp công nghệ để thu thập, kiểm tra và đối chiếu, đảm bảo bản sao điện tử có nội dung đầy đủ, chính xác và khớp đúng so với bản chính theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đối với khách hàng được định danh điện tử có dẫn đến một số vấn đề như: 

Một là, về chữ ký số, để hoàn tất giao dịch mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC) cần có chữ ký của khách hàng và chữ ký sử dụng trong trường hợp này là chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử này chính là bằng chứng thể hiện sự đồng ý xác lập giao dịch của chủ chữ ký điện tử và có đầy đủ giá trị pháp lý như chữ ký bằng tay. Tuy nhiên với quy định mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức eKYC, pháp luật hiện không có quy định về vấn đề này. ngày 22/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 kế thừa có sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005, nhằm khuyến khích chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Về chữ ký điện tử, Luật cơ bản không thay đổi về nguyên tắc, chỉ khái quát hoá, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số; công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử từ nước ngoài,… Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, điều kiện đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.

Hai là, khi các tổ chức định danh điện tử cùng chia sẻ dữ liệu, vấn đề pháp lý cũng có thể xảy ra là vấn đề rủi ro mạo danh: Mạo danh có thể hiểu là một người giả vờ có danh tính của một người thật khác bằng cách sử dụng tài liệu bị đánh cắp, kết hợp với bằng chứng giả mạo, thay thế ảnh trên các giấy tờ chính thức của một người bằng hình ảnh của kẻ mạo danh. Trong quy trình định danh điện tử, bằng các thủ thuật tinh vi đối tượng mạo nhận danh tính của một người để mở tài khoản hoặc đánh cắp mật khẩu, thông tin của người dùng nhằm thực hiện giao dịch điện tử. Hiện nay, chất lượng và sự tinh vi của công nghệ “deepfake” để bỏ qua bước kiểm tra thực thể sống trong quá trình xác thực cũng phát triển ngày càng nhanh, trở thành mối đe dọa lớn với quy trình eKYC (Holland & Marie, năm 2020). Mặt khác, trong khi việc gặp mặt khách hàng trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho xem xét bản gốc giấy tờ tùy thân cũng như nhận diện trực tiếp cử chỉ, đặc điểm sinh trắc và chữ ký của khách hàng thì eKYC lại nhận dạng các giấy tờ qua phiên bản điện tử, rất dễ được làm giả hoặc sử dụng công nghệ cắt ghép ảnh. Trong chuyển đổi số hiện nay, pháp luật về Hợp đồng điện tử được quy định tại khoản 6 Điều 13 Luật Giao dịch điện tử 2023 thì “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Khác với hợp đồng truyền thống, theo Bộ Luật Dân sự 2015, Hợp đồng được quy định tại Điều 385 như sau: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Hợp đồng điện tử được giao kết theo Luật giao dịch điện tử và Pháp luật về hợp đồng. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Các hợp đồng điện tử thường là hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại, hợp đồng hợp tác kinh doanh…Bên cạnh đó, tại điều 38 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định: “Giá trị pháp lý của thông báo trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng văn bản giấy”. có thể thấy pháp luật Việt Nam công nhận hiệu lực của các hợp đồng điện tử nếu hợp đồng đó thực hiện theo đúng quy định. Các TCTD có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng hình thức giao kết hợp đồng điện tử để tối ưu về quy trình kinh doanh và chi phí hoạt động.

Đáp ứng yêu cầu của ngành ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định về việc gặp mặt trực tiếp khách hàng đối với giao dịch liên quan đến công nghệ mới, cho phép các tổ chức tín dụng “được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng”. Trước khi chính thức cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) sử dụng eKYC trong hoạt động mở tài khoản thanh toán (theo Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi, bổ sung sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT- NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán), ngành ngân hàng đã lần lượt thí điểm ứng dụng eKYC vào quy trình nhận biết khách hàng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính. nguyên tắc về định danh điện tử: Có thể xác định được các nguyên tắc của eKYC qua quy định về nguyên tắc của định danh và xác thực điện tử theo Điều 4 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP; Điều 3 Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29/12/2016 của ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet (Thông tư số 35/2016/TT-NHNN), cụ thể như sau: Điều 4 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP bao gồm các nguyên tắc: (i) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (ii) Bảo đảm tính chính xác, duy nhất trong định danh và xác thực điện tử, công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; (iii) Bảo đảm an ninh, an toàn thiết bị, bảo mật dữ liệu khi thực hiện định danh và xác thực điện tử; (iv) Cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng danh tính điện tử phải bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; (v) Mọi hành vi vi phạm pháp luật về định danh và xác thực điện tử phải được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; (vi) Bảo đảm phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn

Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

– Hoàng Hương –

Bài liên quan