Nguyên tắc kế toán là kiến thức nền tảng quan trọng mà bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực kế toán đều cần nắm vững khi bắt đầu sự nghiệp. Vậy các nguyên tắc này bao gồm những gì, và làm thế nào để hiểu đúng cũng như áp dụng hiệu quả vào thực tiễn công việc? Hãy cùng TLA khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây!
1. Nguyên tắc kế toán là gì
Nguyên tắc kế toán là tập hợp các quy định, chuẩn mực do Nhà nước ban hành, áp dụng cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện công tác kế toán. Đây là những quy tắc bắt buộc phải tuân thủ nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong hoạt động kế toán.
Cụ thể, các nguyên tắc này được quy định tại Điều 6, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
2. Vai trò của nguyên tắc kế toán
Nguyên tắc kế toán là nền tảng quan trọng trong lĩnh vực tài chính, góp phần đảm bảo:
- Tính minh bạch và chính xác: Hỗ trợ việc lập báo cáo tài chính đúng đắn và thống nhất.
- Cơ sở kiểm toán: Giúp các cơ quan kiểm toán đánh giá việc tuân thủ quy định.
- Hỗ trợ ra quyết định: Chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư dựa vào báo cáo tài chính để đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
- Hướng dẫn thực hiện: Là chỉ dẫn quan trọng cho kế toán trong xử lý nghiệp vụ phát sinh.
3. Nguyên tắc kế toán được quy định thế nào trong Luật Kế toán
Luật Kế toán số 88/2015/QH13 quy định 7 nguyên tắc tại Điều 6 như sau:
- Ghi nhận theo giá gốc: Tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Trường hợp tài sản có giá trị biến động lớn và có thể xác định lại một cách đáng tin cậy, giá trị được điều chỉnh theo giá thị trường tại thời điểm cuối kỳ báo cáo. Giá gốc của tài sản không được thay đổi trừ khi có quy định khác trong chuẩn mực kế toán cụ thể.
- Nhất quán: Các phương pháp kế toán đã chọn phải được áp dụng nhất quán trong kỳ kế toán. Nếu có thay đổi, cần giải trình rõ trong báo cáo tài chính.
- Khách quan, trung thực: Số liệu kế toán phải được thu thập và ghi nhận đầy đủ, chính xác, phù hợp với kỳ kế toán phát sinh.
- Kịp thời, đầy đủ: Báo cáo tài chính phải được lập và gửi đúng hạn, đảm bảo nội dung chính xác và công khai theo quy định.
- Thận trọng: Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn. Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi:
- Phải lập các khoản dự phòng nhưng không lập quá lớn;
- Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập;
- Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí;
- Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.
- Ưu tiên bản chất hơn hình thức: Các giao dịch được phản ánh dựa trên bản chất thực tế thay vì tên gọi hoặc hình thức.
- Theo mục lục ngân sách Nhà nước: Các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước phải tuân thủ mục lục ngân sách theo quy định.
Về tính phù hợp được thể hiện ở điểm doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau.
Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó.
Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.
Các nguyên tắc kế toán trên đóng vai trò cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống kế toán minh bạch, nhất quán và hiệu quả. Mỗi nguyên tắc đều hướng đến việc đảm bảo tính chính xác, trung thực và kịp thời trong báo cáo tài chính, đồng thời giúp các bên liên quan như doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý có cơ sở đánh giá tình hình tài chính một cách đáng tin cậy.
4. Các yêu cầu cơ bản đối với kế toán theo Chuẩn mực số 01 được quy định như thế nào?
Theo Mục 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 Chuẩn mực số 01 ban hành và công bố theo Quyết định 165/2002/QĐ-BTC thì:
Các yêu cầu cơ bản đối với kế toán được quy định cụ thể như sau:
(1) Yêu cầu Trung thực
Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ, khách quan và đúng với thực tế về hiện trạng, bản chất nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
(2) Yêu cầu Khách quan
Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo đúng với thực tế, không bị xuyên tạc, không bị bóp méo.
(3) Yêu cầu Đầy đủ
Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến kỳ kế toán phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ, không bị bỏ sót.
(4) Yêu cầu Kịp thời
Các thông tin và số liệu kế toán phải được ghi chép và báo cáo kịp thời, đúng hoặc trước thời hạn quy định, không được chậm trễ.
(5) Yêu cầu Dễ hiểu
Các thông tin và số liệu kế toán trình bày trong báo cáo tài chính phải rõ ràng, dễ hiểu đối với người sử dụng.
Người sử dụng ở đây được hiểu là người có hiểu biết về kinh doanh, về kinh tế, tài chính, kế toán ở mức trung bình. Thông tin về những vấn đề phức tạp trong báo cáo tài chính phải được giải trình trong phần thuyết minh.
(6) Yêu cầu Có thể so sánh
Các thông tin và số liệu kế toán giữa các kỳ kế toán trong một doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp chỉ có thể so sánh được khi tính toán và trình bày nhất quán.
Trường hợp không nhất quán thì phải giải trình trong phần thuyết minh để người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh thông tin giữa các kỳ kế toán, giữa các doanh nghiệp hoặc giữa thông tin thực hiện với thông tin dự toán, kế hoạch.
Lưu ý: Yêu cầu kế toán quy định tại (1), (2), (3), (4), (5), (6) nói trên phải được thực hiện đồng thời.
Ví dụ: Yêu cầu trung thực đã bao hàm yêu cầu khách quan; yêu cầu kịp thời nhưng phải đầy đủ, dễ hiểu và có thể so sánh được.
Xử lý vi phạm kế toán
Vi phạm nguyên tắc kế toán có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy mức độ nghiêm trọng:
- Xử phạt hành chính: Theo Nghị định 41/2018/NĐ-CP, các hình thức xử phạt bao gồm cảnh cáo, phạt tiền và hình phạt bổ sung.
- Xử lý hình sự: Theo Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), mức phạt tù từ 1 năm đến 20 năm, kèm theo cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc tịch thu tài sản nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Nếu bạn còn thắc mắc gì, hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH TLA để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
_Đoàn Huyền My_