Chuyển giá không còn là khái niệm xa lạ trong bức tranh kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi các doanh nghiệp FDI ngày càng mở rộng hoạt động xuyên biên giới. Dưới lớp vỏ giao dịch nội bộ tưởng chừng hợp pháp là những toan tính tinh vi nhằm dịch chuyển lợi nhuận, né tránh nghĩa vụ thuế. Trước thực tiễn đó, pháp luật Việt Nam đã và đang hoàn thiện cơ chế kiểm soát hành vi chuyển giá – như một tấm lưới pháp lý nhằm gìn giữ sự công bằng về thuế, bảo vệ nguồn thu quốc gia và duy trì kỷ cương tài chính trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

1. Khái niệm chuyển giá trong doanh nghiệp
Chuyển giá (Transfer Pricing) là việc các doanh nghiệp FDI có quan hệ liên kết thực hiện giao dịch nội bộ không theo giá thị trường nhằm chuyển lợi nhuận từ nơi chịu thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hoặc miễn thuế.
Ví dụ: Doanh nghiệp FDI bán sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường cho công ty liên kết ở nước ngoài, sau đó mua nguyên liệu từ công ty mẹ với giá cao bất thường để làm giảm lợi nhuận chịu thuê tại nước có thuế suất cao (như Việt Nam), làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Trong doanh nghiệp FDI, hoạt động Chuyển giá thường diễn ra thông qua:
- Bán hàng hóa/dịch vụ cho công ty mẹ hoặc công ty liên kết với giá thấp bất thường.
- Mua nguyên liệu, máy móc từ công ty mẹ với giá cao bất thường.
- Tăng chi phí nội bộ như: phí bản quyền, lãi vay nội bộ, dịch vụ quản lý…
Kiểm soát chuyển giá là biện pháp quan trọng trong việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài, nhằm phòng chống gian lận thuế, bảo vệ nguồn thu ngân sách và đảm bảo cạnh tranh công bằng.
2. Nội dung kiểm soát chuyển giá theo pháp luật Việt Nam
- Xác định nghĩa vụ kê khai giao dịch liên kết
Theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai đầy đủ thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết ( bao gồm tên, quốc gia cư trú, mã số thuế và hình thức liên kết) trong Phụ lục I và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Nguyên tắc áp dụng giá thị trường: Doanh nghiệp phải đảm bảo rằng giá giao dịch liên kết được xác định theo nguyên tắc giá thị trường, tránh tình trạng chuyển giá để giảm nghĩa vụ thuế.
Quy định này giúp tăng cường tính minh bạch trong giao dịch liên kết, hạn chế tình trạng chuyển giá gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
- Yêu cầu lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết
Theo điểm b, c, d khoản 4, Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết phải lập 3 loại hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết:
- Hồ sơ quốc gia (Local File): Cung cấp thông tin về giao dịch liên kết, chính sách và phương pháp xác định giá.
- Hồ sơ toàn cầu (Master File): Tổng hợp thông tin về hoạt động kinh doanh của tập đoàn đa quốc gia.
- Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbCR): Được lập bởi công ty mẹ tối cao, cung cấp dữ liệu về phân bổ lợi nhuận và thuế tại các quốc gia khác nhau.
4. Phương pháp kiểm tra và điều chỉnh
Để đảm bảo nguyên tắc giá thị trường trong các giao dịch liên kết, Nghị định 132/2020/NĐ-CP, đã quy định các phương pháp kiểm tra và điều chỉnh giá chuyển nhượng nhằm phát hiện và khắc phục hành vi chuyển giá từ doanh nghiệp FDI, đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.
Về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra và điều chỉnh
Cụ thể, tại Điều 20 xác định: “Cơ quan thuế có quyền yêu cầu kê khai giao dịch liên kết, kiểm tra hồ sơ xác định giá, và thực hiện điều chỉnh thuế nếu phát hiện sai phạm”
Ngoài ra, theo Điều 98 Luật Quản lý thuế 2019: “Cho phép cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra và ấn định thuế trong trường hợp kê khai không trung thực”.
Phương phác xác định giá
Xét đến căn cứ pháp lý tại Điều 13 đến Điều 15 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định 5 phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, bao gồm:
- Phương pháp so sánh với giá giao dịch độc lập
- Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp
- Phương pháp giá vốn cộng lãi
- Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu
- Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần
- Phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết
5. Xử lý vi phạm chuyển giá
5.1 Ấn định lại thu nhập chịu thuế
Khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý thuế 2019: Cơ quan thuế được quyền ấn định nghĩa vụ thuế nếu người nộp thuế:
i) Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.
Điều 20 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định rằng: “Cơ quan thuế căn cứ các nguyên tắc phân tích, so sánh, nguyên tắc và phương pháp xác định giá giao dịch liên kết được quy định tại Nghị định này và các thông tin kê khai nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết để thực hiện ấn định thuế”
Nếu doanh nghiệp FDI khai giá bán quá thấp (ví dụ, bán cho công ty mẹ giá thấp hơn giá thị trường) hoặc chi phí bất hợp lý (trả lãi vay nội bộ cao quá mức), thì cơ quan thuế có thể ấn định lại giá để tính lại thu nhập chịu thuế và yêu cầu nộp bổ sung thuế TNDN.
5.2 Truy thu thuế và tiền chậm nộp
Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế phải nộp đủ số thuế còn thiếu và tiền chậm nộp do chậm so với thời hạn quy định, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế.
Tại điểm a, b khoản 2 Điều 59 và Thông tư 80/2021/TT-BTC cũng có hướng dẫn cụ thể về tính tiền chậm nộp là 0,03%/ ngày tính trên số tiền thuế nộp thiếu.
Ngoài việc bị điều chỉnh lại nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp còn bị truy thu phần chênh lệch thuế đã trốn và bị tính thêm khoản tiền lãi chậm nộp – có thể gây áp lực tài chính lớn đối với doanh nghiệp cố tình chuyển giá trong thời gian dài.
5.3 Xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Khoản 1 Điều 16 và Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP chỉ rõ rằng:
- Phạt 20% số tiền thuế trốn, khai thiếu hoặc gian lận nếu doanh nghiệp cố ý kê khai sai căn cứ tính thuế để làm giảm số tiền thuế phải nộp.
- Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn trong trường hợp có một tình tiết giảm nhẹ trở lên đến hành vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm.
- Ngoài ra còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tùy vào mức độ vi phạm.
Việc xử phạt không chỉ dừng ở khía cạnh tài chính mà còn mang tính răn đe và cảnh báo rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp FDI.
5.4. Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra (trong trường hợp nghiêm trọng)
Trong trường hợp doanh nghiệp FDI có hành vi gian lận có tổ chức, có yếu tố xuyên biên giới và gây thiệt hại lớn cho ngân sách, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đại diện theo pháp luật hoặc kế toán trưởng.
Cụ thể, Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), nếu phạm vào “Tội trốn thuế” có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi gây hậu quả lớn (số tiền trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc tái phạm).
Kiểm soát hành vi chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI không chỉ là yêu cầu kỹ thuật trong công tác quản lý thuế, mà còn là thước đo cho tính minh bạch, công bằng và bền vững của môi trường đầu tư quốc gia. Khi lợi ích kinh tế và nghĩa vụ pháp lý được đặt trên nền tảng của sự công bằng, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ không đánh đổi bằng thất thoát nguồn lực công. Một cơ chế kiểm soát hiệu quả không chỉ giúp bảo vệ nguồn thu ngân sách, mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế hội nhập, công khai và phát triển hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng.
———————————
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
TTQ_