Hiện nay, trong giải quyết tranh chấp thương mại, thương lượng và hòa giải được coi là hai hình thức thường xuyên được áp dụng. Mặc dù đều nhằm mục đích giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa, mỗi phương thức lại có những đặc điểm và cách thức thực hiện riêng biệt. Để hiểu rõ hơn, bài viết dưới đây của TLA sẽ tập trung phân tích và làm rõ điểm giống và khác nhau giữa hai hình thức giải quyết tranh chấp thương mại này.
1. Thế nào là thương lượng trong thương mại?
Theo Điều 317 Luật Thương mại 2005, các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm:
- Thương lượng trực tiếp giữa các bên.
- Hòa giải do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải.
- Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án, với thủ tục thực hiện theo các quy định pháp luật về tố tụng của Trọng tài và Tòa án.
Từ đó có thể thấy, thương lượng là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại. Đây là phương thức xuất hiện sớm nhất, thông dụng và phổ biến nhất, thường được các bên áp dụng để xử lý các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại.
Phương thức này được các thương nhân ưa chuộng vì tính đơn giản, ít tốn kém và không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý phức tạp. Thương lượng có thể hiểu là quá trình các bên tranh chấp trực tiếp bàn bạc, tháo gỡ những bất đồng để giải quyết tranh chấp mà không cần sự hỗ trợ hay phán quyết từ bất kỳ bên thứ ba nào.
2. Thế nào là hòa giải trong thương mại?
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP định nghĩa hòa giải thương mại như sau:
“Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hỗ trợ giải quyết theo quy định của Nghị định này.”
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được quy định tại Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, bao gồm:
- Các bên tham gia hòa giải trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng về quyền, nghĩa vụ.
- Thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản hoặc pháp luật quy định khác.
- Thỏa thuận hòa giải không được vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ, hoặc xâm phạm quyền lợi của bên thứ ba.
Điều kiện để áp dụng hòa giải thương mại được quy định tại Điều 6 Nghị định 22/2017/NĐ-CP, theo đó:
Tranh chấp sẽ được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Thỏa thuận này có thể được đưa ra trước, trong, hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, hoặc tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình giải quyết tranh chấp.
3. Phân biệt thương lượng và hòa giải
Tiêu chí | Hòa giải | Thương lượng |
Về chủ thể | là thỏa thuận giữa các bên và hòa giải viên trong tranh chấp | là sự thỏa thuận giữa các bên trong tranh chấp |
Đặc điểm | Có sự xuất hiện của người trung gian đóng vai hỗ trợ để tìm phương án giải quyết tranh chấp | Các bên tranh chấp sẽ tự thỏa thuận để giải quyết tranh chấp trên tinh thần tự nguyện, thiện chí |
Kinh phí | Tốn kém kinh phí hơn so với thương lượng (do có sự xuất hiện của người trung gian là hòa giải viên) | Ít tốn kém kinh phí |
Về khả năng lựa chọn người giải quyết tranh chấp | Có khả năng lựa chọn người giải quyết tranh chấp | Do hai bên tự đi đến thỏa thuận với nhau |
Ưu điểm | Có khả năng thành công cao hơn | Đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém, bảo vệ được bí mật kinh doanh của các bên tranh chấp |
Nhược điểm | Tốn kém chi phí, bí mật kinh doanh có thể bị ảnh hưởng, khả năng thực thi phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên | Không có sự ràng buộc, khả năng thực thi phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên |
Trên đây là một vài sự khác nhau cơ bản giữa phương thức hòa giải và thương lượng trong giải quyết tranh chấp thương mại. Mỗi phương thức đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, do đó tùy thuộc vào nhu cầu và sự thỏa thuận của các bên mà có sự cân nhắc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cho phù hợp.
—————————–
Nếu bạn còn thắc mắc gì, hãy liên hệ với Công ty Luật TNHH TLA để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
- Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn; - Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
Đoàn Huyền My