Hiện nay, tình trạng các công ty ma xuất hiện ngày càng phổ biến, gây ra nhiều rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh. Do đó, mỗi người cần phải nâng cao cảnh giác để nhận diện và phân biệt được một công ty ma nhằm hạn chế các hệ lụy khôn lường mà loại hình này có thể gây ra. Mời các bạn hãy cùng tìm hiểu với TLA qua bài viết sau đây:
1. Điều kiện cần để thành lập công ty hiện nay
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 thì điều kiện để thành lập một công ty sẽ bao gồm 06 điều kiện:
(1) Điều kiện về vốn điều lệ và vốn pháp định khi thành lập công ty: là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần (khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020).
(2) Điều kiện về chủ thể thành lập công ty (khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020).
(3) Điều kiện về ngành nghề kinh doanh.
(4) Điều kiện về tên công ty: việc đặt tên phải thực hiện theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020.
(5) Điều kiện về trụ sở: Công ty phải đảm bảo trụ sở đáp ứng các điều kiện tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020.
(6) Điều kiện về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020.
Như vậy, để thành lập một công ty, các chủ doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ 06 điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, nhằm đảm bảo tính hợp pháp và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
2. Công ty, doanh nghiệp “ma” là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về công ty ma (doanh nghiệp ma), nhưng có thể hiểu công ty ma là:
- Công ty được thành lập nhưng không thực sự tổ chức sản xuất, kinh doanh.
- Hoạt động với mục đích gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật khác.
Thông thường, các công ty ma thường lựa chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) vì thủ tục thành lập đơn giản và trách nhiệm pháp lý được giới hạn. Các doanh nghiệp ma gây ra nhiều tác hại, đặc biệt trên hai khía cạnh chính:
- Gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
- Ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Để bảo vệ quyền lợi và tránh những rủi ro liên quan, mỗi cá nhân và doanh nghiệp cần nhận biết các dấu hiệu đặc trưng của loại hình công ty này.
3. Một số cách nhận biết công ty, doanh nghiệp “ma”
(i) Nhận biết công ty ma qua loại hình kinh doanh
Những đối tượng lập ra công ty ma nhằm trục lợi, gian lận, chiếm đoạt tài sản, trốn thuế… thường lựa chọn thành lập công ty TNHH. Loại hình này có thủ tục thành lập đơn giản và dễ dàng, đồng thời trách nhiệm pháp lý được giới hạn.
(ii) Nhận biết doanh nghiệp ma qua đăng ký ngành nghề kinh doanh
Các doanh nghiệp ma thường đăng ký nhiều ngành nghề, điển hình như:
- Kinh doanh dịch vụ tổng hợp;
- Kinh doanh thương mại;
- Những ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định hoặc chứng chỉ hành nghề…
Việc đăng ký nhiều ngành nghề giúp các công ty ma vượt qua sự kiểm tra của cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan thuế.
(iii) Nhận biết công ty ma qua trụ sở giao dịch, thời gian thuê trụ sở ngắn
Công ty ma thường đăng ký địa chỉ kinh doanh hoặc địa chỉ giao dịch tại các tòa nhà, văn phòng ảo, hoặc những địa chỉ không có thật để trốn tránh thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, các công ty này thường đặt trụ sở tại khu vực có điều kiện dân trí không cao hoặc trong các con hẻm nhỏ. Thời gian thuê trụ sở thường ngắn, chỉ vài tháng, sau đó nhanh chóng giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài để tránh bị phát hiện.
(iv) Nhận biết công ty ma qua phương thức thanh toán
Các công ty ma thường thực hiện giao dịch trái pháp luật và tránh chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng doanh nghiệp. Họ ưu tiên sử dụng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng cá nhân, thậm chí qua nhiều bên trung gian để che giấu giao dịch.
(v) Nhận biết công ty ma qua việc khai báo thuế
Trong giấy khai thuế, các công ty ma thường khai báo doanh số bán hàng cao nhưng thực tế lại đóng thuế ít hơn. Đặc biệt, một số trường hợp khai thuế giá trị gia tăng đầu ra nhỏ hơn đầu vào nhưng không làm thủ tục xin hoàn thuế – điều này tạo ra điểm bất hợp lý dễ nhận biết.
Các dấu hiệu nhận biết khác:
- Không tuyển dụng nhân sự, không có tài sản cố định.
- Thành lập công ty nhưng không có sản phẩm, dịch vụ hoặc giao dịch kinh doanh thực tế.
- Kêu gọi vốn đầu tư hoặc thực hiện giao dịch bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản.
—————————————————-
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
- Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn; - Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
Đoàn Huyền My