Ngày 24/11/2023, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 94,74%. Luật mới bao gồm 10 chương, 73 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, trong khi các quy định liên quan đến dịch vụ trung tâm dữ liệu (IDC), điện toán đám mây (Cloud), và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) sẽ bắt đầu từ 01/01/2025. Hãy cùng TLA tìm hiểu các điểm nổi bật về giấy phép viễn thông mà doanh nghiệp cần lưu ý.
1. Loại hình giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông mới
Theo Điều 33 Luật Viễn thông 2023, giấy phép viễn thông được chia thành hai loại chính là giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông.
Khác với Luật Viễn thông 2009, Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Luật Viễn thông 2023 được chia thành hai loại:
- Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng;
- Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng.
2. Điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông
a. Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng sử dụng tần số vô tuyến điện
Theo khoản 1 Điều 36 Luật Viễn thông 2023, để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng sử dụng tần số vô tuyến điện, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện
- Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Có vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Chính phủ;
- Không đang trong quá trình giải thể, phá sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, các quy định của Luật này về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá dịch vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ viễn thông, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Bảo đảm cam kết triển khai mạng viễn thông đối với băng tần, kênh tần số vô tuyến điện được cấp theo hình thức đấu giá, thi tuyển hoặc đối với băng tần được cấp lại;
- Trúng đấu giá, trúng thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc đủ điều kiện được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần.
b. Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng (trừ trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng sử dụng tần số vô tuyến điện)
Theo khoản 2 Điều 36 Luật Viễn thông 2023, giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng (trừ trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng sử dụng tần số vô tuyến điện) được cấp cho doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Có vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của Chính phủ;
- Không đang trong quá trình giải thể, phá sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, các quy định của Luật này về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá dịch vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ viễn thông, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Điều kiện về triển khai mạng viễn thông theo quy định của Chính phủ.
c. Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng
Theo khoản 3 Điều 36 Luật Viễn thông 2023, giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ phải thực hiện thủ tục đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp cho doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện:
- Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Không đang trong quá trình giải thể, phá sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Có phương án kỹ thuật, phương án kinh doanh phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, các quy định của Luật này về tài nguyên viễn thông, kết nối, giá dịch vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ viễn thông, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Tác động đối với doanh nghiệp viễn thông
Luật Viễn thông 2023 là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về viễn thông tại Việt Nam. Doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật và tuân thủ các điều kiện mới để đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn. Việc chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép theo các quy định mới là ưu tiên hàng đầu để đáp ứng các yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt từ ngày 01/7/2024.
Luật Viễn thông 2023 mang đến những thay đổi quan trọng về quy định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông. Doanh nghiệp nên liên hệ ngay với các chuyên gia pháp lý để được tư vấn chi tiết về quy trình và thủ tục cấp giấy phép, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
_LTTTra_