Ngày 29/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025). Nhằm quản lý chặt chẽ đối với các loại hình nhà ở sử dụng kết hợp với sản xuất, kinh doanh, Luật PCCC và CNCH 2024 đã bổ sung quy định về điều kiện bảo đảm bảo an toàn phòng cháy đối với loại hình này. Hãy cùng TLA tìm hiểu quy định mới về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong bài viết dưới đây.
1. Vai trò của phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là loại hình công trình phổ biến tại Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ do tính chất đặc thù của hoạt động sản xuất và lưu trữ hàng hóa. Do đó, công tác phòng cháy chữa cháy đóng vai trò vô cùng quan trọng, đảm bảo an toàn cho con người và tài sản. Một số vai trò của phòng cháy chữa cháy với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cụ thể như sau:
- Phòng cháy chữa cháy giúp giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, bảo vệ an toàn cho cư dân và người lao động trong nhà ở kết hợp kinh doanh. Việc trang bị các thiết bị như bình chữa cháy, hệ thống báo cháy, lối thoát hiểm góp phần xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.
- Một hệ thống phòng cháy chữa cháy tốt giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại khi có cháy nổ, hạn chế thời gian gián đoạn trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
- Việc đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy là yêu cầu bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Triển khai tốt công tác phòng cháy chữa cháy tại nhà ở kết hợp kinh doanh giúp nâng cao ý thức của chủ cơ sở và người dân xung quanh về an toàn cháy nổ, tạo môi trường sống và làm việc an toàn hơn.
- Các sự cố cháy lớn thường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc thực hiện tốt phòng cháy chữa cháy giúp hạn chế khói bụi, hóa chất độc hại và nước thải từ quá trình chữa cháy.
2. Quy định trước đây về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Trước đây, quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh không được quy định cụ thể trong luật mà chỉ được đề cập trong văn bản hướng dẫn là Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Cụ thể, khoản 2 Điều 7 của Nghị định này yêu cầu các hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn như:
- Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt;
- Chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy;
- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
3. Quy định mới theo Luật PCCC và CNCH 2024
Luật PCCC và CNCH 2024 đưa ra các yêu cầu cụ thể hơn tại Điều 21, bao gồm:
- Điều kiện chung đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh:
- Bảo đảm các điều kiện an toàn theo Điều 20 của Luật: (1) Lắp đặt, sử dụng thiết bị điện bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy. (2) Bố trí bếp đun nấu, nơi thờ cúng, đốt vàng mã bảo đảm an toàn; không để vật, chất dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. (3) Có phương tiện phòng cháy, chữa cháy phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn. (4) Bố trí, duy trì lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp hoặc lối đi bảo đảm việc thoát nạn. (5) Nhà ở có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó;
- Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn theo quy định;
- Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.
- Điều kiện đặc thù đối với nhà ở kết hợp kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ
- Không bố trí chỗ ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh;
- Có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị phát hiện sự cố rò rỉ chất khí nguy hiểm về cháy, nổ phù hợp với công năng, đặc điểm của nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
- Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.
Việc bổ sung các quy định này giúp tăng cường quản lý, giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn và bảo vệ an toàn tính mạng cũng như tài sản của người dân. Các hộ gia đình kinh doanh cần chủ động nâng cấp cơ sở vật chất, tuân thủ nghiêm các yêu cầu để tránh vi phạm và bảo đảm môi trường sống an toàn.
Luật PCCC và CNCH 2024 là bước tiến quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ an toàn phòng cháy tại Việt Nam. Các cá nhân, doanh nghiệp cần nắm vững và tuân thủ các quy định mới để bảo đảm an toàn và tránh các hình thức xử phạt nghiêm khắc từ cơ quan chức năng.
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
_LTTTra_