Theo quy định của Điều 103 Hiến pháp năm 2013 và Điều 8 và 9 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
“Điều 103.
1. Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.
3. Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.
4. Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
5. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.
6. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
7. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.”
Điều 8. Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia
Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham gia theo quy định của luật tố tụng, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
Điều 9. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
1. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Như vậy, thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia và địa vị pháp lý của Hội thẩm khi xét xử độc lập với Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc hiến định.
Theo quy định tại Điều 103 Hiến pháp 2013, Điều 8 Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014, Điều 12 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định việc xét xử sơ thẩm của tòa án phải có Hội thẩm nhân dân tham gia trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
“Điều 12. Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hành chính
1. Việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính có Hội thẩm nhân dân tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn theo quy định của Luật này.
2. Khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.”
Như vậy, pháp luật quy định Hội thẩm nhân dân phải có trong các phiên xét xử sơ thẩm hành chính. Việc Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm nhằm xét xử vụ án được công bằng, đúng người, đúng tội, nhân dân được thể hiện ý kiến của mình trong quá trình xét xử. Bên cạnh đó, Hội thẩm còn được giao quyền ngang với thẩm phán trong việc biểu quyết để ra một bản án theo hình thức đa số.
Nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân
Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân.
Hội thẩm có nghĩa vụ thực hiện sự phân công của Chánh án Tòa án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do.
Trong 01 năm công tác mà Hội thẩm không được Chánh án Tòa án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án Tòa án cho biết lý do.
Khi được phân công giải quyết vụ án thì Hội thẩm có các nhiệm vụ như: nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; tham gia xét xử các vụ án theo thủ tục sơ thẩm các loại vụ án; tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.
Với các quy định nêu trên thì Hội thẩm có địa vị pháp lý và vai trò rất quan trọng trong công tác xét xử, vì khi tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm, Hội thẩm chiếm đa số trong Hội đồng xét xử (2/3 hoặc 3/5) và khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán khi ra các phán quyết về vụ án. Như vậy, khi xét xử nếu ý kiến biểu quyết của các Hội thẩm là giống nhau và khác với ý kiến của Thẩm phán thì quyết định của Hội đồng xét xử phải theo ý kiến của các Hội Thẩm (đa số), mặc dù là người xét xử có tính chất chuyên nghiệp thì Thẩm phán cũng chỉ có quyền bảo lưu ý kiến của mình và đề nghị Tòa án cấp trên xem xét.
———————————–
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội
Email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội
Email: tmle@tlalaw.vn.
– Trần Quang Huy –