Hoạt động kinh doanh tiền tệ trong nền kinh tế thị trường luôn gắn liền và chứa đựng những yếu tố rủi ro tiềm ẩn như rủi ro về lãi suất, tỷ giá, rủi ro đạo đức…Trong những năm vừa qua, kinh tế xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế rủi ro, ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện phát triển bền vững. Đóng góp vào kết quả đó phải kể đến vai trò của bảo hiểm tiền gửi (BHTG), một chế định tài chính được sử dụng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
1, Khái niệm Bảo hiểm tiền gửi
Khoản 1 Điều 4 Luật BHTG 2012 quy định:
“1. Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.”
Theo đó, BHTG được hiểu đơn giản như một khoản tiền bảo đảm, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của người được BHTG trong mối quan hệ này.
2, Quy định về Bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam
2.1. Quy định về chủ thể tham gia quan hệ pháp luật bảo hiểm tiền gửi
- Tổ chức BHTG Việt Nam: Tổ chức bảo BHTG là tổ chức tài chính Nhà nước được giao thực hiện chính sách công, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí, hoạt động trên phạm vi cả nước, có vốn điều lệ, có tài sản, có bảng cân đối, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại các ngân hàng trong nước và nước ngoài. Hoạt động của tổ chức BHTG Việt Nam không vì mục tiêu lợi nhuận. Chế độ tài chính của BHTG Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định dựa trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính và ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. BHTG Việt Nam được miễn nộp các loại thuế theo quy định.
- Người được BHTG: Người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật BHTG 2012. Như vậy, Luật BHTG 2012 quy định chỉ bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm cho tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp.
- Tổ chức tham gia BHTG: BHTG ở Việt Nam áp dụng bắt buộc đối với Tổ chức tín dụng (TCTD) và tổ chức không phải là TCTD được thực hiện một số hoạt động ngân hàng để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Theo Điều 6 Luật BHTG năm 2012 và Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP, tổ chức tham gia BHTG là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
2.2. Quy định về tiền gửi được bảo hiểm, phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi
- Tiền gửi được bảo hiểm: Điều 18 Luật BHTG năm 2012 quy định: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các TCTD, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này”.
- Phí BHTG: Phí BHTG là khoản tiền mà tổ chức tham gia BHTG có nghĩa vụ phải nộp cho tổ chức BHTG để được BHTG cho khách hàng. Theo quy định tại Điều 20 Luật BHTG 2012, Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ khung phí BHTG mà Chính phủ quy định thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này. Nguyên tắc này được ngầm hiểu là phí BHTG được xác định dựa trên cơ sở rủi ro. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định bổ sung, quy định mới nào hướng dẫn chi tiết về khung phí BHTG. Phí BHTG vẫn áp dụng mức phí là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG.
- Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi: Căn cứ theo Điều 24 Luật BHTG 2012, pháp luật không áp dụng cố định số tiền hạn mức chi trả, mà số tiền này sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Quy định này đã bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều biến động. Theo đó, Quyết định 32/2021/QĐ-TTg quy định hạn mức chi trả tối đa là 125 triệu đồng, bao gồm cả gốc và lãi.
2.3. Quy định về Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi
Chứng nhận BHTG là văn bản xác nhận của BHTG Việt Nam về việc tổ chức phải tham gia BHTG đã tham gia BHTG. Chứng nhận tham gia BHTG được quy định từ Điều 14 đến Điều 17 Luật BHTG 2012. Theo đó, Luật BHTG 2012 đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến Chứng nhận tham gia BHTG bao gồm các hoạt động cấp, thu hồi, cấp lại và niêm yết chứng nhận.
2.4. Quy định về trả tiền bảo hiểm
Chi trả là chức năng cơ bản của mọi hệ thống BHTG. Bản chất của nghĩa vụ trả tiền của tổ chức BHTG cho người gửi tiền trong quan hệ BHTG thực chất không phải là nghĩa vụ bồi thường, mà chỉ là một nghĩa vụ tài sản phát sinh do luật định nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Điều 22 Luật BHTG 2012 quy định: “Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD là tổ chức tham gia BHTG vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc NHNN Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền”. Thời hạn cụ thể được quy định tại Điều 23 Luật này là 60 ngày kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Hiện nay, đã hơn 10 năm kể từ khi Luật BHTG năm 2012 được ban hành. Với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế xã hội, các quy định của Luật BHTG năm 2012 đang dần bộc lộc những hạn chế nhất định, thiếu sự đồng bộ với hệ thống cơ chế chính sách cũng như không phù hợp với thực tế. Vì vậy, nhất thiết cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật BHTG nhằm đảm bảo một hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các định chế tài chính hoạt động hiệu quả, phát huy nhiều hơn nữa vai trò của Tổ chức BHTG Việt Nam.
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
– Vũ Thanh Thảo –