Hiện nay, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc trong thời đại công nghệ số. Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tác động sâu sắc, toàn diện đến tất cả lĩnh vực kinh tế – xã hội của các quốc gia, đến đời sống của mỗi người. Một trong những sản phẩm công nghệ số gây ra nhiều tranh cãi nhất và được biết đến nhiều nhất, đó là tiền ảo.
I. Thế nào là tiền ảo?
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chuyên môn ở nước ta vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo. Theo Chỉ thị (EU) 2018/843 năm 2018 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, thuật ngữ “tiền ảo” có nghĩa là một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền, không nhất thiết phải gắn với một loại tiền tệ được thành lập hợp pháp và không có tư cách pháp lý của tiền tệ hoặc tiền, nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử.
Hiện nay, có không ít người nhầm lẫn tiền ảo với tiền trong ví điện tử (như Momo, VNPay, AirPay). Ví điện tử là loại dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp được pháp luật quy định cụ thể tại Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019).
Ví điện tử không tạo ra đồng tiền ảo, mà chúng chỉ lưu giữ một giá trị tiền tệ được bảo đảm bằng đúng giá trị tiền gửi (đồng Việt Nam) tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản bảo đảm thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1 và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, “tiền xu” của Tiki hoặc của Shopee không phải là tiền ảo. “Tiền xu” này chỉ là tên gọi của “phiếu mua hàng điện tử” hoặc “phương thức khuyến mãi” được dùng để hỗ trợ giảm giá, cấn trừ giá mua hàng hóa của người tiêu dùng trong chính sàn thương mại điện tử đó.
II. Các vấn đề pháp lý của Việt Nam đối với tiền ảo.
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ điều chỉnh đối với tiền ảo; còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra vẫn chưa thể giải quyết. Tiền ảo đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận.
- Hiện tại, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo Khoản 2 điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, việc phát hành cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
- Tiền ảo không được xem là tài sản. Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định về tài sản như sau: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, trong đó
- Vật là một bộ phận của thế giới vật chất được tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí; có tính năng, đặc tính riêng biệt và con người có thể quản lý, khai thác, sử dụng như vàng bạc, xe cộ, đất đai, nhà cửa…
- Tiền là phương tiện thanh toán do Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ để định giá, trao đổi, thanh toán cho các loại tài sản khác. Tiền bao gồm nội tệ và ngoại tệ.
- Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức được phép phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định. Giấy tờ có giá gồm các loại như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, cổ phiếu, séc…
- Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền bề mặt, quyền hưởng dụng…
- Vì lí do tiền ảo không phải là một loại tài sản. Việc sở hữu, sử dụng, mua bán, giao dịch tiền ảo như một loại tài sản sẽ mang lại rủi ro rất lớn và không được pháp luật bảo vệ.
- Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến tiền ảo. Dựa trên nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, một số tổ chức, cá nhân lập ra các sàn đầu tư, sàn giao dịch về tiền ảo theo mô hình đa cấp, các sàn giao dịch “ma” để huy động tiền từ những nhà “đầu tư” và để lại hệ quả rất lớn.
III. Thế nào là hợp đồng thông minh?
- Hợp đồng thông minh (Smart contract) là một chương trình, tự động hóa các hành động cần thiết cho một giao dịch blockchain. Sau khi hoàn tất giao dịch, các thông tin trong giao dịch đó có thể được theo dõi và không thể hoàn trả. Một ví dụ đơn giản nhất cho hợp đồng thông minh là máy bán nước tự động – khi bạn nạp đúng số tiền và nhấn nút một mặt hàng, chương trình (hợp đồng thông minh) sẽ trả cho bạn đúng mặt hàng bạn đã chọn.
- Hợp đồng thông minh cho phép các giao dịch và thỏa thuận đáng tin cậy được thực hiện giữa các bên khác nhau, ẩn danh mà không cần thông qua cơ quan trung ương, hệ thống pháp luật hoặc cơ chế thực thi bên ngoài.
- Vì hợp đồng thông minh thực hiện các thỏa thuận nên chúng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Một trong những cách sử dụng đơn giản nhất là đảm bảo các giao dịch giữa hai bên, chẳng hạn như mua và giao hàng.
IV. Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
-Anh Quân –