Bán đồ ăn, đồ uống lưu động có cần phải đăng ký kinh doanh?

Khách hàng gửi tới TLA câu hỏi cần tư vấn như sau: “Xin chào Quý công ty, hiện tại tôi đang có dự định mở một quầy bán hàng lưu động gần các trường tiểu học, cấp hai quanh khu vực nhà tôi. Tuy nhiên vợ tôi lại ngăn cản vì sợ các vấn đề pháp lý liên quan. Các luật sư cho tôi hỏi: theo quy định pháp luật có cần phải đăng ký kinh doanh hay không? Rất mong được giải đáp cụ thể!

I. Bán đồ ăn, cà phê mang đi có cần phải đăng ký kinh doanh ?

Quầy ăn lưu động có phải đăng ký kinh doanh? (Ảnh minh họa – nguồn: Internet)

Căn cứ Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, có giải thích một số từ ngữ như sau:

Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:

  • Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.
  • Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định.
  • Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định.
  • Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ.
  • Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
  • Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Kinh doanh l­ưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.

Như vậy, theo câu hỏi của khách hàng, việc mở một quầy bán hàng lưu động tại các trường cấp một, cấp hai quanh khu vực sinh sống thuộc trường hợp buôn bán rong, buôn bán dạo là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định. Đồng thời căn cứ vào Điều 1 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, khách hàng không cần phải đăng ký kinh doanh khi thực hiện buôn bán bằng quầy hàng lưu động.

II. Các lưu ý khi thay đổi xe tải thành xe bán hàng lưu động.

Theo ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc hoán cải thùng xe bán hàng lưu động tức là thay đổi một phần hoặc toàn bộ các thông số, kết cấu cũng như đặc tính kỹ thuật của xe tải. Các bước hoán cải xe tải cần tuân thủ quy định sau: Cải tạo xe cơ giới và xe cơ giới, sau khi cải tạo, phải phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Quy định về việc hoán cải, cải tạo xe cơ giới cần phải tuân theo quy định của Thông tư 85/2014/TT-BGTVT, chi tiết như sau:

  • Không cải tạo, thay đổi mục đích sử dụng (công dụng) đối với xe cơ giới đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới đến thời điểm thẩm định thiết kế;
  • Không cải tạo xe cơ giới chuyên dùng nhập khẩu thành xe cơ giới loại khác trong thời gian 05 năm, xe đông lạnh nhập khẩu thành xe loại khác trong thời gian 03 năm, kể từ ngày được cấp biển số đăng ký lần đầu;
  • Không cải tạo thùng xe của xe tải nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp mới, chưa qua sử dụng trong thời gian 06 tháng, kể từ ngày kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu đến khi thẩm định thiết kế (trừ trường hợp cải tạo thành xe tập lái, sát hạch; cải tạo lắp đặt thêm mui phủ của xe tải thùng hở);
  • Xe tải chỉ có thể làm thủ tục hoán cải sau 6 tháng kể từ ngày đăng ký ra biển đầu tiên.

Bên cạnh đó, Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải thẩm định, nếu đạt yêu cầu thì phê duyệt thiết kế và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo. Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế có hiệu lực tối đa là 12 tháng, kể từ ngày ký, nhưng không quá niên hạn sử dụng của xe (nếu có) hoặc không quá 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới (đối với trường hợp cải tạo thay đổi mục đích sử dụng).

Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế bao gồm:

  • 04 bộ hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo;
  • Văn bản đề nghị thẩm định thiết kế (bản chính);
  • Tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế (bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế);
  • Bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế của một trong các giấy tờ sau: Giấy Đăng ký xe ô tô; Phiếu sang tên, di chuyển (đối với trường hợp đang làm thủ tục sang tên, di chuyển); Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc giấy tờ chứng nhận đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu (đối với xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, chưa có biển số đăng ký).

Có thể thấy, kinh doanh lưu động của cá nhân độc lập là hình thức kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh, song vẫn phải tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và trật tự đô thị, đồng thời thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật…

III. Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn

Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

Bài liên quan