
Chắc hẳn trong đã từng nghe ít nhất một lần cụm từ “nhà tạm”, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm này. Nhà tạm là gì? Chúng được xây dựng với mục đích gì và liệu việc xây dựng nhà tạm có cần xin giấy phép hay không? Đây là những câu hỏi mà không ít người thắc mắc.
1. Khái niệm
Theo Điều 131 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), công trình tạm được giải thích như sau:
“1. Công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng có thời hạn phục vụ các mục đích sau:
a) Thi công xây dựng công trình chính;
b) Sử dụng cho việc tổ chức các sự kiện hoặc hoạt động khác trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công trình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình tạm.
3. Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm. Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định.
4. Công trình xây dựng tạm phải được phá dỡ khi đưa công trình chính của dự án đầu tư xây dựng vào khai thác sử dụng hoặc khi hết thời gian tồn tại của công trình. Chủ đầu tư được đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận việc tiếp tục khai thác sử dụng công trình xây dựng tạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nếu công trình phù hợp với quy hoạch; bảo đảm các yêu cầu về an toàn chịu lực, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, công trình xây dựng tạm là loại công trình có thời hạn sử dụng nhất định, được xây dựng để phục vụ thi công công trình chính hoặc tổ chức sự kiện. Việc xây dựng và quản lý các công trình này phải tuân thủ quy định chặt chẽ về thẩm quyền phê duyệt, điều kiện an toàn, và thời hạn tồn tại. Sau khi hết thời hạn hoặc hoàn thành mục đích sử dụng, công trình tạm phải được phá dỡ, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục sử dụng nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
2. Tiêu chí xác định nhà tạm
Quy định thêm tại Quyết định 55/QĐ-BXD 2025 hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát, tiêu chí của nhà tạm được quy định tại Điều 1 như sau:
“Nhà tạm, nhà dột nát là nhà ở được xây dựng trên đất ở không có tranh chấp, không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Quyết định này và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
1. Về diện tích nhà ở
a) Đối với hộ đơn thân thì có diện tích nhỏ hơn 18 m2.
b) Đối với trường hợp hộ gia đình thì có diện tích nhỏ hơn 30 m2 và diện tích bình quân đầu người nhỏ hơn 8 m2.
2. Về kết cấu nhà ở
Nhà ở có kết cấu không bền chắc là nhà ở có ít nhất hai trong ba kết cấu chính bao gồm nền – móng, khung – tường, mái được làm bằng vật liệu không bền chắc, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Kết cấu không bền chắc là kết cấu không thuộc các trường hợp sau:
a) Nền – móng nhà được làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng – cát, bê tông, bê tông cốt thép, gạch, đá, gạch lát, gỗ.
b) Khung – tường bao gồm hệ thống khung, cột, tường kể cả móng đỡ. Trong đó, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường được xây bằng gạch, đá, hoặc làm từ gỗ bền chắc, kim loại.
c) Mái gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Trong đó, hệ thống đỡ mái được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; mái được làm bằng bê tông cốt thép hoặc lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, thép, gỗ bền chắc) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.
3. Về thời gian sử dụng
Nhà ở được xây dựng bằng vật liệu bền chắc có thời gian sử dụng từ 20 năm trở lên, chưa được cải tạo, sửa chữa, hiện đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn khi sử dụng.
4. Đối với các tiêu chí khác (nếu có) như: Không gian chức năng (bếp, vệ sinh), hệ thống kỹ thuật trong nhà (cấp điện, cấp nước), an toàn cháy nổ… căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định.
Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở quy định tại khoản 2 Điều này có thể làm bằng vật liệu địa phương có chất lượng tương đương do cơ quan chuyên môn của địa phương xác định chủng loại cụ thể và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng phê duyệt.”
Như vậy, để xác định một căn nhà là nhà tạm hay nhà dột nát, cần đáp ứng các tiêu chí cụ thể về diện tích (dưới 18m2 với hộ đơn thân hoặc dưới 30m2 với hộ gia đình), kết cấu (có ít nhất 2/3 bộ phận chính không bền chắc), thời gian sử dụng (trên 20 năm chưa được cải tạo và đã xuống cấp), cùng các tiêu chí bổ sung do địa phương quy định. Việc sử dụng vật liệu địa phương thay thế phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo chất lượng tương đương.
3. Có cần xin giấy phép khi xây dựng nhà tạm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020), trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng sau đây:
“Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020);
Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;…”
Như vậy, khi xây dựng nhà tạm theo quy định tại Điều 131 của Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020) thì không cần phải xin giấy phép xây dựng.
Liên hệ Luật sư tư vấn:
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
1. Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội,
email: vtpthanh@tlalaw.vn;
2. Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội;
email: tmle@tlalaw.vn
Địa chỉ: Tầng 7, số 06 Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: https://tlalaw.vn/
Hotline: 0906246464
Nguyễn Hương Huyền