Những bất cập của pháp luật về thanh toán qua ví điện tử

Bên cạnh những kết quả và thành tựu đã đạt được trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật về hoạt động thanh toán qua ví điện tử thì trong bối cảnh và thực tiễn hiện nay, pháp luật về thanh toán qua ví điện tử đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, pháp luật Việt Nam hiện nay đang thiếu quy định về “tiền điện tử”. Đặt trong mối quan hệ với giao dịch thanh toán qua ví điện tử, thì tiền điện tử là phương tiện thanh toán của giao dịch này, là hình thái biểu hiện của đồng tiền pháp định. Ngay cả khi trong phần khái niệm “ví điện tử” được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP có đề cập đến về giá trị tiền được sử dụng trong giao dịch nhưng dựa trên thực tế thì khái niệm riêng về “tiền điện tử” là vô cùng cần thiết. Bởi, hiện nay có rất ít cơ số người hiểu rõ về giá trị tiền tệ của tiền điện tử. Phần lớn, họ thường bị nhầm lẫn giữa “tiền điện tử” với “tiền ảo”. Do vậy, việc pháp luật không định nghĩa rõ ràng về “tiền điện tử” sẽ khiến người dùng đánh giá sai lệch và lầm tưởng thanh toán qua ví điện tử các hoạt động dựa trên tiền ảo, làm hạn chế số lượng người tham gia giao dịch đáng kể.

Thứ hai, các quy định liên quan đến điều kiện thành lập và hoạt động của tổ chức kinh doanh dịch vụ ví điện tử chưa thực sự chặt chẽ. Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ- CP, Thông tư số 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN có quy định về điều kiện thành lập và hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ ví điện tử nhưng còn cơ bản và chung chung. Dẫn đến sự xuất hiện tràn lan của các công ty kinh doanh dịch vụ ví điện tử. Điều này khiến các cơ quan nhà nước không kịp kiểm soát, quản lý nên dẫn tới xuất hiện ngày một nhiều những công ty kinh doanh dịch vụ ví điện tử thiếu chất lượng hoặc thậm chí là hoạt động trái pháp luật.

Thứ ba, chưa có các quy định về bảo vệ quyền và lợi ích của đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử.Xuyên suốt nội dung của Thông tư số 39/2014/TT- NHNN, dường như không có các quy định bảo vệ quyền lợi cho đối tượng này. Không những vậy, vai trò và quyền lợi của đơn vị chấp nhận thanh toán bằng Ví điện tử trong quan hệ pháp luật liên quan đến dịch vụ thanh toán qua ví điện tử khá bị động khi các đơn vị chấp nhận thanh toán còn bị ràng buộc với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua ví điện tử bằng cam kết không được thu thêm các loại phí đối với khách hàng khi thanh toán thông qua dịch vụ trung gian thanh toán dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, đơn vị chấp nhận thanh toán phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các hàng hóa, dịch vụ cung ứng và cam kết không thực hiện các giao dịch bị cấm theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, đối với khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua ví điện tử
(i) Chưa có các quy định về bảo vệ người sử dụng ví điện tử khi xác lập quan hệ pháp luật với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Dù tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải thỏa thuận với khách hàng những vấn đề mấu chốt ngay khi bắt đầu cung ứng dịch vụ ví điện tử trong thông tư số 39/2014/TT-NHNN nhưng trên thực tế thì quy trình mở ví điện tử được lập một cách vô cùng đơn giản, bằng việc khách hàng chấp nhận với các điều khoản và điều kiện về việc sử dụng dịch vụ ví điện tử. Trong khi đó, các điều khoản và điều kiện trong những hợp đồng mẫu thường là do chính tổ chức cung ứng dịch vụ đã lập và thường khách hàng sẽ không đọc kỹ mà nhanh chóng nhấn nút chấp thuận để sử dụng dịch vụ. Khi đó, hợp đồng sẽ có hiệu lực pháp luật và nếu xảy ra rủi ro, khách hàng mới có thể phát hiện những miễn trừ trách nhiệm đã được khéo léo “cài” sẵn trong các điều khoản của hợp đồng.

(ii) Chưa đủ chặt chẽ trong các quy định về tài khoản bảo đảm thanh toán để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng sử dụng ví điện tử. Trong thông tư 39/2014/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi bổ sung xuất hiện lỗ hổng về bảo vệ tiền của khách hàng sử dụng dịch vụ ví điện tử, đặc biệt khi tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử rơi vào tình trạng phá sản. Theo Điều 3.7 của Thông tư 39/2014/TT-NHNN có quy định tài khoản bảo đảm thông tin đứng tên của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua ví điện tử. Theo đó, tiền giữ trong tài khoản bảo đảm thông tin về mặt hình thức vẫn đang được xác định thuộc quyền sở hữu của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua ví điện tử mà không phải của khách hàng sử dụng ví điện tử. 

Thứ năm, rủi ro trong phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC). Việc xác thực tài khoản ví điện tử ngày nay trở nên tiện lợi cho khách hàng nhờ vào phương thức xác thực tài khoản điện tử. Tuy nhiên, rủi ro ở chỗ khi các tổ chức định danh điện tử cùng chia sẻ dữ liệu, vấn đề pháp lý về rủi ro mạo danh có thể xảy ra. Theo đó, mạo danh có thể hiểu là một người giả vờ có danh tính của một người thật khác bằng cách sử dụng tài liệu bị đánh cắp, kết hợp với bằng chứng giả mạo, thay thế ảnh trên các giấy tờ chính thức của một người bằng hình ảnh của kẻ mạo danh. Trong quy trình định danh điện tử, bằng các thủ thuật tinh vi đối tượng mạo nhận danh tính của một người để mở tài khoản hoặc đánh cắp mật khẩu, thông tin của người dùng nhằm thực hiện giao dịch điện tử. Hiện nay, chất lượng và sự tinh vi của công nghệ “deepfake” để bỏ qua bước kiểm tra thực thể sống trong quá trình xác thực cũng phát triển ngày càng nhanh, trở thành mối đe dọa lớn với quy trình eKYC.

Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn

Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

Bài liên quan