Xây dựng khung pháp lý về năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ kinh nghiệm của một số quốc gia

1. Kinh nghiệm tại một số quốc gia

    Đức là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng chiến lược nền kinh tế “năng lượng xanh”. Luật Năng lượng tái tạo của Đức (EEG) được xây dựng và có hiệu lực năm 2000, trong đó có các  quy định cụ thể  về mức giá ưu đãi đối với mỗi kWh điện gió. Chính sách này cùng với mức giá ưu đãi về giá điện gió Chính phủ Đức thực hiện từ năm 1991, đã tác động tích cực tới sự phát triển năng lượng gió của nước này. Trong quá trình thực hiện, EEG thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với thị trường và thực tế. Bên cạnh đó, Luật Xây dựng của Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn năng lượng này, thậm chí, các nhà máy năng lượng gió được xếp vào danh mục “các dự án đặc quyền” với cơ chế ưu tiên cụ thể.

    Ấn Độ cũng là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công suất điện gió, với chính sách đa dạng hóa nguồn năng lượng vào năm 1980. Cơ quan Nguồn năng lượng được chuyển thành Bộ Năng lượng, đã tiến hành nghiên cứu, xác định, triển khai các dự án điện gió và đưa vào khai thác. Những chính sách khuyến khích, những kết quả nghiên cứu kỹ thuật chi tiết và định hướng phát triển rõ ràng của Chính phủ Ấn Độ đã thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đầu tư và phát triển thị trường điện gió hiệu quả mà không cần sự đầu tư lớn của Nhà nước. Chính phủ Ấn Độ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cũng như có biện pháp kiểm tra, giám sát đảm bảo đầu tư của khu vực tư nhân không đi ngược lại lợi ích của xã hội.

    Tại Nhật Bản, ngay từ năm 2008, Chính phủđã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, trong đó, cho những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu yen, tương đương gần 5.000 USD. Hơn nữa, Chính phủ Nhật Bản còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.

    Để thúc đẩy điện mặt trời phát triển, năm 2011, Nhật Bản đã ban hành Luật Trợ giá (FiT) mua năng lượng tái tạo, khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà và từ đó xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn và tập trung. Luật FiT cho phép hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư.

    Năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của Trung quốc đã chỉ ra phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than. Trung Quốc đã điều chỉnh giá điện từ nguồn tái tạo và hủy bỏ các kế hoạch triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất nguồn năng lượng sạch tại nước này..

    Tại Đài Loan, Chính phủ Đài Loan đưa ra mức giá FIT cao nhất thế giới để thu hút sự chú ý của các nhà phát triển năng lượng tái tạo lớn trên toàn cầu. Năm 2009, Đài Loan đã ban hành Đạo luật Phát triển Năng lượng Tái tạo (Renewable Energy Development Act – REDA), mở đường cho NLTT Đài Loan phát triển, quy tụ nhiều doanh nghiệp tham gia.

    Ngoài ban hành đạo luật REDA và áp dụng cơ chế FIT phù hợp, Đài Loan hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị, công khai danh mục các dự án đầu tư. Hơn nữa, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

    Ngoài các chính sách kinh tế, Đài Loan còn áp dụng chính sách phi kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) để phát huy nguồn năng lượng tái tạo, bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về năng lượng tái tạo.

    Tăng cường công tác tuyên truyền, đưa vào chương trình giáo dục năng lượng ở các trường học, giúp các trường tuyên truyền chính sách bảo vệ môi trường hiệu quả và xa hơn là chọn nhân tài cho lĩnh vực năng lượng trong tương lai.

    2. Hàm ý cho Việt Nam

    Thứ nhất: Từ kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy: Xây dựng Luật năng lượng tái tạo sẽ là giải pháp “điểm nhấn” then chốt, tiên quyết cho việc phát triển NLTT. Cần có chính sách xây dựng Luật năng lượng tái tạo rõ ràng dựa trên thực tế và xu hướng thế giới. Phân loại chi tiết ngành năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, điện sóng, điện hải lưu, điện sinh khối, tích hợp các loại nguồn khác.

    Thứ hai: Tập trung cho R&D để phục vụ phát triển NLTT, bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về năng lượng tái tạo. Cần đưa R&D về NLTT là nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên, thông qua các chương trình khoa học công nghệ quốc gia về phát triển các phân ngành năng lượng tái tạo, nhất là công nghệ thu gom, xử lý tái chế các tấm pin mặt trời, tua bin gió.

    Thứ ba: Khuyến khích các doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia phát triển thị trường NLTT. Mở rộng đầu tư lưới điện có kiểm soát theo hình thức đối tác công tư (PPP) thông qua đấu thầu cạnh tranh. Khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm sử dụng NLTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững.

    Thứ tư: Thu hút vốn FDI để triển khai NLTT và sửa đổi cơ chế bền vững cung cấp tài trợ để khuyến khích đầu tư tư nhân. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển NLTT.

    Ngoài những kinh nghiệm từ các nước đang phát triển tương tự Việt Nam, chúng ta cũng cần học kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực NLTT, như Đức chẳng hạn, để phát triển bền vững nguồn NLTT. Đó là việc tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

    Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA

    Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

    Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn

    Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

    Bài liên quan