Thứ nhất, nhằm phù hợp với sự phát triển của công nghệ số và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia việc chuyển đổi số trong lĩnh vực Ngân hàng là sự thay đổi tất yếu buộc phải có. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự phát triển và tiếp cận nhanh với những thành tựu khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0. Mặt khác với cơ cấu dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 33,3 tuổi, mức độ truy cập internet cao và có xu hướng tăng nhanh. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay khả năng tiếp thu, hấp thụ và sử dụng công nghệ mới nhanh chóng. Do đó có thể xem đây là một thị trường đầy tiềm năng trong quá trình chuyển đổi số hóa lĩnh vực Ngân hàng và ngược lại, điều chỉnh pháp luật đối với chuyển đối số trong lĩnh vực ngân hàng là đòi hỏi cần thiết để đáp ứng nhu cầu người dân cũng như toàn xã hội. Chuyển đổi số trong hoạt động huy động vốn của các TCTD
Theo đề án của Chính phủ, chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và thiết bị chấp nhận thẻ POS. Ngày 11/05/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các TCTD đã và đang nghiên cứu, triển khai thêm các hoạt động dịch vụ mới trên nền tảng số hóa dựa trên những tiến bộ của công nghệ, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam bao gồm: thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm thu hoặc chi, séc, qua thẻ ngân hàng, internet banking, mobile banking, thanh toán trực tuyến, ví điện tử, cổng thanh toán…
Trên thực tế hành lang pháp lý ở Việt Nam còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh và tình hình thực tế, do vậy chưa thực sự thúc đẩy cho sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng nhất là với vấn đề ngân hàng điện tử, các dịch vụ thanh toán di động – một trụ cột cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích của TCTD nói riêng của nền kinh tế nói chung, hoạt động chủ yếu của các TCTD, đặc biệt trong các ngân hàng thương mại là nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung cấp các dịch vụ thanh toán cho khách hàng nên các TCTD rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế – xã hội. Khi không may gặp rủi ro dẫn đến mất khả năng thanh toán các TCTD có thể gặp khó khăn do yếu tố tâm lý của số đông người gửi tiền, nhận thấy khả năng thanh toán bị giảm sút người dân có xu hướng rút tiền gửi hàng loạt dẫn tới các TCTD có thể bị phá sản. Không những vậy, TCTD có thể đối mặt với những khó khăn như mất vốn, mất đối tác kinh doanh dẫn tới việc triển khai kế hoạch chiến lược không hiệu quả.
Để tránh những rủi ro và hạn chế nhiều nhất ảnh hưởng tiêu cực có tính dây chuyền, ví dụ hoạt động vốn huy động bằng tiền gửi không được Nhà nước giám sát nghiêm ngặt thì có thể dẫn đến các TCTD lợi dụng đặc quyền huy động vốn bằng nhận các loại tiền gửi để lừa đảo người gửi tiền với số lượng lớn. Mặt khác, TCTD huy động vốn mà sử dụng không hiệu quả, gây thất thoát sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả, thanh toán. Vì thế, nhiều biện pháp được triển khai trong đó có biện pháp điều chỉnh hoạt động HĐV bằng pháp luật đối với các TCTD. Từ đó, đưa những hoạt động HĐV vào khuôn khổ pháp luật nhất định với sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, thông qua ban hành pháp luật về hoạt động HĐV, thể chế hóa các chính sách Nhà nước có thể điều tiết hoạt động của các TCTD theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đảm bảo an toàn cho bản thân các TCTD cũng như toàn bộ hệ thống Ngân hàng.
Chuyển đổi số trong huy động vốn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch công khai cho các TCTD, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong hoạt động kinh doanh tín dụng. Thay vì những kênh huy động vốn truyền thống có thể gặp những rủi ro thông qua những ý chí can thiệp chủ quan của con người ở các khâu của hoạt động huy động vốn, thì trong chuyển đổi số các kênh huy động này được số hóa, giảm thiểu tối đa thời gian cũng như thủ tục, không cần ra quầy giao dịch mà vẫn đảm bảo lợi ích và an toàn cho khách hàng. Cùng với đó, chuyển đổi số giúp các TCTD thích ứng nhanh hơn với xu hướng công nghệ phát triển, có khả năng tự nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới, môi trường mới.
Thứ ba, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Dưới góc độ pháp lý người sử dụng dịch vụ sẽ yếu thế hơn so với các TCTD sau khi giao vốn cho bên TCTD sử dụng. Để thực hiện giao dịch với các TCTD, khách hàng phải cung cấp một lượng thông tin cá nhân nhất định mang tính bảo mật cao. Do đó cần có hệ thống pháp luật điều chỉnh để bảo vệ quyền và lợi ích người cho vay vốn, pháp luật thường quy định về vốn điều lệ, vốn pháp định và quy mô huy động vốn của các TCTD đặc biệt là trong giao dịch điện tử, từ đó củng cố niềm tin cho người gửi tiền, khuyến khích các tổ chức cá nhân cho vay vốn, huy động được nguồn vốn lớn cho nền kinh tế phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt là khi chuyển đổi số, rủi ro về tội phạm an ninh mạng từ sự bất cẩn của khách hàng khi cung cấp thông tin cá nhân hoặc lỗ hổng trong hoạt động quản lý hệ thống công nghệ thông tin của các TCTD, từ đó dẫn đến khả năng số dư tiền gửi của khách hàng bị tác động. Bài viết sẽ tiếp cận nội dung pháp luật nhằm đảm bảo công bằng quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện đại hóa ngày nay.
Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA
Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về nội dung này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn
Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn
-Hoàng Hương-