Những quy định mới, nổi bật trong Luật các tổ chức tín dụng 2024 về các khoản vay liên quan tới đối tượng là khách hàng doanh nghiệp.

Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 với 15 chương, 210 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ… Luật Các TCTD năm 2024 đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Bài viết này TLA xin cung cấp tới đọc giả một số quy định về khoản vay liên quan đến đối tượng là khách hàng doanh nghiệp nổi bật như sau:

1.  Quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính ( Điều 102 Luật Các tổ chức tín dụng 2024): Cụ thể, 04 khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ bao gồm:

(1) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

(2) Khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

(3) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân;

(4) Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.

Theo đó, trước khi quyết định cấp tín dụng đối với các khoản cấp tín dụng trên thì tổ chức tín dụng phải có tối thiểu thông tin sau:

– Mục đích sử dụng vốn hợp pháp;

– Khả năng tài chính của khách hàng

Khách hàng phải cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu trên; thông tin về người có liên quan cho tổ chức tín dụng khi đề nghị cấp tín dụng và có nghĩa vụ sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính đúng mục đích đã cam kết, hoàn trả nợ gốc, lãi, phí đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.

2. Giảm giới hạn cấp tín dụng và quy định lộ trình cụ thể giảm giới hạn cấp tín dụng theo từng năm ( Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng 2024): Quy định lộ trình cụ thể giảm giới hạn cấp tín dụng theo từng năm đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ năm 2026 đến năm 2029 để tổ chức tín dụng có kế hoạch giảm dần một cách phù hợp. Cụ thể:

a) Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

c) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

d) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;

đ) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

Giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng 25% xuống 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó 50% xuống 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

3.Bổ sung quy định về trường hợp tổ chức tín dụng vay, cho vay đặc biệt ( Chương XI Luật Các tổ chức tín dụng 2024 ):

Vay đặc biệt là một trong những biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi áp dụng cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Theo Điều 192 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định chung các trường hợp được vay đặc biệt như sau:

– Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trong trường hợp sau đây:

+ Để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền theo quy định tại Điều 191 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;

+ Để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc.

– Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

– Ngân hàng hợp tác xã chỉ cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

 Ngoài quy định về trường hợp tổ chức tín dụng vay đặc biệt, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 còn quy định thẩm quyền quyết định cho vay, lãi suất và tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt và các nguyên tắc xử lý khoản vay đặc biệt tại điều 193 và 194.

4. Bổ sung quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm ( Chương XII Luật Các tổ chức tín dụng 2024): Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã luật hóa một số quy định về nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu… Đồng thời, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng có quy định chuyển tiếp cho một số trường hợp đang áp dụng quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội nhưng không luật hóa tại Luật Các  tổ chức tín dụng, bảo đảm quá trình xử lý nợ xấu không bị gián đoạn.

Được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 bổ sung quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm tại Điều 200. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của  tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các  tổ chức tín dụng Việt Nam được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Đồng thời, không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản. Quy định này được đánh giá sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.

Liên hệ Luật sư tư vấn – Công ty Luật TNHH TLA

Luật TLA là một trong những đơn vị luật sư hàng đầu, với đội ngũ luật sư, cán bộ nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, doanh nghiệp, hôn nhân và gia đình,… Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc về pháp lý của bạn. Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.

Luật sư Vũ Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội, email: vtpthanh@tlalaw.vn.

Luật sư Trần Mỹ Lê, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH TLA, Đoàn Luật sư Hà Nội; email: tmle@tlalaw.vn

– Lương Hoàng Hiếu –

Bài liên quan